Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:39 GMT+7

Ghi tại vùng "rốn lũ" Attapeu

Biên phòng - Cơn “đại hồng thủy” trôi qua gần 4 ngày, nhưng cảnh hoang tàn vẫn bao trùm lấy các bản thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (Lào). Những người dân trong vùng “rốn lũ” gần như chỉ còn bộ quần áo trên người; số người chết đang tăng lên và chưa có con số thống kê chính thức.

e6lxqjdb93-2501_1938807150907237903_37824380_1014893248678507_4514750732565479424_n
Giao thông bị chia cắt, người dân Lào chủ yếu di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Thái Kim Nga

Bản làng tan hoang sau cơn “đại hồng thủy”

Vào chiều 26-7, chúng tôi có mặt tại các bản thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu. Đây được coi là vùng “rốn lũ” sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Namnoy xảy ra khiến cho các hộ dân không kịp trở tay.

Để tiếp cận vào các bản vùng lũ, chúng tôi phải men theo một con đường đất ngập đầy nước từ thị xã Xa Mac- Khi Xay vào huyện Samaxay gần 40km. Trên đường đi, chúng tôi chứng kiến hàng trăm chiếc xe ô tô của các đoàn cứu trợ quốc tế đang nối đuôi nhau chạy vào các trường học, công sở làm việc của chính quyền được trưng dụng làm điểm tập kết người bị nạn để tiếp nhận hàng cứu trợ.

Qua huyện Samaxay khoảng chừng 10km là cảnh tượng tan hoang hai bên con đường. Càng vào sâu trong các bản, thì nước càng ngập sâu, phương tiện khả dĩ nhất mà người dân sử dụng là những chiếc xe độ hàng ngày dùng để đi rẫy và một số ít thuyền, bè.

Khi đặt chân đến bản Khộc Cọng (huyện Samaxay), thảm cảnh hoang tàn đã hiện ra trước mắt khi hàng trăm căn nhà tạm đều đã đổ sập, bị lũ cuốn trôi giờ còn trơ lại bộ khung. Một số ngôi nhà kiên cố cũng bay nóc, hư hỏng nặng nên không còn người dân sống ở đây. Rải rác hai bên đường là nhiều chiếc xe ô tô, xe độ nằm ngã nghiêng.

Từ trong vùng rốn lũ, ông Sơ Liêng (khoảng 60 tuổi, bản Să Mỏng Tạy) mặt thẫn thờ nói đang đi tìm người bố của mình. Ông Sơ Liêng thất thểu nhớ lại: “Khi đó bố mẹ tôi đang ăn cơm thì bất ngờ một tiếng nước đổ ầm ầm từ trên núi xuống. Thấy nước chảy quá mạnh, tôi nhìn sang phía căn nhà của bố mẹ thì hoảng hồn không thấy nhà đâu. Ngay lúc ấy, có người kéo tay tôi chạy thục mạng lên khu vực đất cao thoát nạn. Đến khi quay trở lại thì chứng kiến cảnh hoang tàn, căn nhà bố mẹ tôi đã bị trôi đâu mất. Đến khi nước rút, may nhờ có lực lượng cứu hộ dùng trực thăng đi rà và thấy mẹ tôi đang nắm lấy một ngọn cây cao nên đã đưa về cấp cứu. Còn bố tôi hiện vẫn chưa biết sống chết ra sao. Gần hai ngày này, tôi đi theo các đoàn cứu nạn để vào tìm bố tôi, nhưng đều vô vọng...”, ông Liêng cho hay.

Bà Bun (62 tuổi, làng Khộc Cọng) đang dựng một chiếc liều tạm bên đường để sống tạm và chăm sóc đàn bò của mình. Bà Bun cho biết: “Nghe tiếng nước lũ đổ ầm ầm là dân làng kéo nhau chạy thục mạng, không kịp mang theo đồ đạc hay thức ăn gì cả. May mà lúc đó đàn bò của nhà tôi kịp chạy lên đồi cao nên còn níu kéo lại được chút tài sản. Suốt mấy ngày nay, chúng tôi đều ăn mì tôm và ngủ bên đường, sát cánh rừng già, tiếp tục trông chờ các đoàn cứu trợ vào giúp đỡ…”

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại địa bàn huyện Sanamxay, trời vẫn đang mưa và mực nước đang rút rất chậm. Những người dân tại 6 bản gồm: Khộc Cọng, Hín Lạt, Tha Sẻng Chăn, Thà Hìn, Să Mỏng Tay, Bản Mày đang di chuyển vào khu tập kết ở trường học gần huyện. Lương thực, thực phẩm hiện nay đều nhờ vào các đoàn cứu trợ từ tỉnh Attapeu vào. Hiện có 1 đội bác sĩ của Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai và đội bác sĩ của Lào vẫn đang trực ở đây để khám chữa bệnh cho bà con ở khu tập kết.

Người dân “gồng mình” tại các khu tập kết

Đại diện chính quyền huyện Sanamxay cho biết, hiện vẫn còn hơn 130 người mất tích và các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tiếp cận các bản bị cô lập để tìm kiếm những người gặp nạn. Tất cả người dân ở các bản bị cô lập đã được đưa đến khu tập kết ở công sở, trường học gần huyện để sống tạm và chăm sóc y tế.

6x47921fpi-2501_186565470450858896_IMG_4381
Sau trận lũ lịch sử, người dân đang phải sống trong các lều bạt tạm bợ. Ảnh: Thái Kim Nga

Tại vùng rốn lũ Attapeu, sáng 27-7, quân đội Lào vẫn đang cố gắng huy động lực lượng và phương tiện để tiếp cận với 4 bản bị cô lập còn lại nhằm tìm kiếm những người còn sống sót. Lực lượng chức năng đã sử dụng ca nô, thuyền máy đến từng bản, từng nhà với hy vọng sẽ cứu được thêm nhiều người đang trú ẩn ở đó.

Trên không, lực lượng cứu hộ tiếp tục dùng trực thăng bay lượn nhiều vòng, nhằm hỗ trợ lương thực nước uống và rà soát, tìm kiếm người gặp nạn đang bị kẹt trên nóc nhà, cây cao… Hiện nay, 4 bản chịu thiệt hại nặng nhất của huyện Sanamxay là: May, Tha Seng Chăn, Hỉn Lạt, Thạ Hỉn vẫn chưa thể đi bằng đường bộ vào được.

Những người may mắn đã được chính quyền đưa đến các khu tập kết, nhưng cuộc sống cũng đang rất khó khăn và thiếu thốn. Hầu như dân bản, mỗi ngừi chỉ còn lại bộ quần áo trên người vì lũ đến bất ngờ không kịp trở tay. Khu tập kết thiếu đủ bề, thức ăn chủ yếu của người dân là mì tôm và lúa nếp do các đoàn cứu trợ đưa vào. Mọi người hầu như không có chăn màn mà chỉ ngủ trên những tấm bạt. Còn các đoàn bác sĩ thuộc Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai và phóng viên từ các nước cũng phải ngủ trên những chiếc ghế, bàn, sàn nhà hay những tấm bạt để sáng sớm kịp thời hỗ trợ, cứu nạn những người dân mới chuyển vào.

Chị Eng (32 tuổi, bản Hỉn Lạt) tâm sự: “Mọi người khi thấy nước lũ cuồn cuộn đổ về là kéo nhau bỏ chạy tán loạn chứ không kịp mang tài sản, quần áo. Đến khu này mọi thứ đều thiếu thốn, tôi có chiếc áo khoác ngoài cũng đã đưa cho chị hàng xóm đắp cho đứa con đang bị sốt. Một số người ra khu vực huyện kiếm ít áo vào để chia sẻ cho những người trong bản. Thiếu thốn lắm, nhưng như vậy là may mắn rồi chứ nhiều người còn bị lũ cuốn trôi không biết sống chết ra sao…”.

Thoát chết trong gang tấc, ông Khắp Vụn, Phó bản Hỉn Lạt bàng hoàng nhớ lại sự việc: “Thấy nước lũ đổ về, tôi và vợ con vội vàng ỏ chạy, nhưng vì nước lên quá mạnh khiến cho căn nhà đổ sập đè lên người. Thấy vậy, vợ con tôi chạy đến cố hết sức kéo tôi ra và dìu nhau chạy ra phía huyện. Giờ thì cả gia đình may mắn thoát chết, nhưng tài sản chẳng còn cái gì nữa…”

Cần lắm những tấm lòng

Sau thảm họa, người dân vùng rốn lũ Attapeu đang rất cần được cứu trợ khẩn cấp. Hiện Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ 200.000 USD để giúp Lào khắc phục hậu quả vụ vỡ đập thủy điện. Tỉnh Kon Tum - địa phương có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Attapeu - cũng đã có nhiều hoạt động để giúp người dân nước bạn vượt qua cơn hoạn nạn.

img-4hg429
Các bác sĩ chăm sóc y tế cho người dân vùng lũ. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong hai ngày 26 và 27-7, tỉnh Kon Tum đã cử nhiều đoàn công tác sang cùng với lực lượng y tế, lao động của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở Lào, tổ chức cứu trợ cho các nạn nhân. Ưu tiên hàng đầu của các đoàn công tác từ Việt Nam là tham gia tìm kiếm, cứu hộ người mất tích, hỗ trợ lượng thực, thực phẩm cứu đói, bảo đảm y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng lũ.

Chiều 26-7, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã cử đoàn công tác do Thượng tá Lê Thanh Tùng, Phó Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn sang tỉnh Attapeu giúp đỡ người dân nước bạn. Trước mắt, đoàn công tác của BĐBP Kon Tum hỗ trợ chính quyền và nhân dân vùng lũ số thuốc y tế trị giá 37 triệu đồng, 100 suất quà trị giá 50 triệu đồng, cùng 50 triệu đồng tiền mặt giúp bạn vượt qua khó khăn.

Đại tá Nguyễn Cảnh Toàn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Kon Tum cho biết: “Người dân trong khu vực công trình thủy điện bị vỡ đập vốn đã nghèo khó, giờ còn gặp phải thảm họa thiên tai nên rất cần nhận được sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế. Về phía BĐBP tỉnh, chúng tôi luôn đồng hành, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn giúp chính quyền nhân dân tỉnh Attapeu vượt qua khó khăn. Sau khi đoàn công tác của Bộ Chỉ huy tỉnh trở về, chúng tôi sẽ tiếp tục có những phương án để giúp bạn...”

Cẩm Xuyên - Phạm Hoàng

Bình luận

ZALO