Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 14/09/2024 03:11 GMT+7

Gia cố “xương sống” nền kinh tế

Biên phòng - Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, có 125,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường là, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước. Tính ra bình quân mỗi tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp từ bỏ cuộc chơi. Rõ ràng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn nên mới có những con số đáng quan ngại đến vậy.

Ảnh minh hoạ.

Thực tế, do thị trường thế giới suy giảm nên nhiều doanh nghiệp vẫn đang vật lộn trong khó khăn, đối mặt những bất cập về: chính sách thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính,... Đây là những vấn đề liên tục được các hiệp hội ngành nghề đề cập và bày tỏ quan ngại tại các cuộc đối thoại chính sách, các diễn đàn kinh tế và ngay cả trong các văn bản góp ý xây dựng luật.

Chuyên gia kinh tế lưu ý, tình hình phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp trong nước rất đáng quan tâm khi vẫn còn đó quá nhiều khó khăn, thách thức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán... đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng. Tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 8 chỉ tăng 6,25% so với cuối năm 2023, cách xa mục tiêu tăng trưởng 15% cả năm 2024.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Cùng với đó, một số chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ gặp phải những khó khăn, vướng mắc, chậm triển khai thực hiện...

Do đó, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Đáng lưu ý là các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân dẫn đến cho các doanh nghiệp giải thể.

Tai kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa...

Với vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội và tác động trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% của cả nước. Thế nên, vấn đề cấp thiết hiện nay là làm sao tạo dựng, giữ vững lòng tin của doanh nghiệp để họ yên tâm và tiếp tục đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO