Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:50 GMT+7

20 năm thi hành Luật Biên giới quốc gia:

Giá trị về pháp lý và thực tiễn đối với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Ngày 17/6/2003, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004. Sau 20 năm thi hành, giá trị về pháp lý, thực tiễn của Luật Biên giới quốc gia (BGQG) là rất lớn. Để tìm hiểu cụ thể hơn về nội dung này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP (thứ 3, từ phải sang) cùng các thành viên đoàn công tác của Bộ Quốc phòng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia khảo sát thực địa tổ chức Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2023 tại khu vực cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Văn Lý

- Luật BGQG ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như thế nào đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, lãnh thổ, thưa đồng chí Thiếu tướng?

- Sau 20 năm ra đời, đến nay, nhìn nhận lại, chúng ta thấy rằng, Luật BGQG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội sâu sắc đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG như sau: Sự ra đời của Luật đã thể chế nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG. Luật BGQG khẳng định, BGQG Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; đồng thời đã thể chế đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, mở rộng quan hệ quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ BGQG.

Luật BGQG đã pháp điển hóa các văn bản pháp lý và các Điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ, có ý nghĩa hết sức quan trọng là cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch xây dựng, phát triển khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt trong đầu tư xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới để quản lý, bảo vệ BGQG. Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng trong quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới; trong đó xác định rõ BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới (khoản 2, Điều 31).

Đến nay, cùng với Luật Biên phòng Việt Nam tạo nên cơ sở pháp lý rất vững chắc, đầy đủ để các cấp, các ngành, các lực lượng huy động nguồn lực của Nhà nước, xã hội trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Có thể khẳng định, triển khai thực hiện Luật BGQG đã tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện; tạo tiềm lực về chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới.

- Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của công tác biên giới cho đến nay, sau 20 năm Luật BGQG được ban hành?

- Sau 20 năm thi hành Luật BGQG, kết quả, giá trị về pháp lý, về thực tiễn là rất to lớn. Luật BGQG là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để hoạch định phân giới cắm mốc với các nước láng giềng. Trên tuyến biên giới đất liền, đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới, phân giới cắm mốc được 5.019 cột mốc, cọc dấu. Đây là cơ sở pháp lý để BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức duy trì kiểm tra, kiểm soát hệ thống đường biên, mốc quốc giới; kiểm tra, kiểm soát 206 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền và cảng biển; xuất, nhập khẩu gần 800 triệu tấn hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát hơn 15 triệu lượt người xuất, nhập cảnh bảo đảm an ninh, an toàn, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân lưu thông biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu.

BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức nắm chắc tình hình chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, vùng biển, tình hình nội, ngoại biên, âm mưu ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại đối tượng, tội phạm; qua đó, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, đối sách đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, phương thức hoạt động, ý đồ chống phá, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển.

Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc, BĐBP Cà Mau. Ảnh: Lê Khoa

Trên cơ sở Luật BGQG, Nhà nước đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực, sức mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; qua đó, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Đến nay, cả nước đã thành lập 15 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền; có 267 cụm công nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đang hoạt động trên cả nước; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo ở khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới được củng cố và giữ vững.

Cùng với việc đầu tư phát triển công nghiệp, Đảng, Nhà nước, địa phương biên giới triển khai 298 dự án, chương trình phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, xây dựng 234 mô hình giúp dân phát triển kinh tế; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; thu hẹp chênh lệch vùng miền; đến nay, với hơn 2,4 triệu hộ/hơn 9,8 triệu nhân khẩu, đã có 100% các xã, phường, thị trấn biên giới có đường ô tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia, 95% thôn bản được phủ sóng điện thoại di động, 94% số hộ thoát nghèo, 95% số hộ thoát cận nghèo, đời sống nhân dân ở khu vực biên giới được cải thiện rất nhiều.

Vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn, nổi bật đó là xây dựng được nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống” đã huy động được sức mạnh của người dân, nhất là nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới tham gia vào quá trình xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới; đây là nhân tố nền tảng góp phần giữ gìn biên cương của Tổ quốc ổn định lâu dài, trường tồn.

Cùng với các hiệp định, thỏa thuận về biên giới, lãnh thổ, vùng biển, quản lý biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu giữa Việt Nam và các nước láng giềng được ký kết đầy đủ, toàn diện; hệ thống pháp luật về BGQG, biên phòng được ban hành kịp thời, đồng bộ, khép kín đã phát triển tiềm lực quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới, vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Luật BGQG góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức, nhân dân hai bên biên giới, vùng biển về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG; xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với chính quyền, nhân dân, lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội trên các tuyến biên giới.

Luật BGQG xác định, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với Công an nhân dân, các lực lượng hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Qua 20 năm triển khai thi hành, cùng với xây dựng Quân đội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, lực lượng BĐBP được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển, vững mạnh về tổ chức, từng bước hiện đại hóa về trang bị, phương tiện, kỹ thuật; cán bộ, chiến sĩ BĐBP có trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Sau hơn 20 năm thi hành Luật BGQG, BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý gần 60 nghìn vụ/hơn 100 nghìn đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; hơn 115 nghìn vụ/hơn 200 nghìn đối tượng hình sự; xử lý vi phạm hành chính hơn 140 nghìn vụ/hơn 250 nghìn đối tượng với tổng số tiền phạt hơn 200 tỷ đồng.

- Theo đồng chí, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh BĐBP cần triển khai những gì để tiếp tục phát huy hiệu quả của Luật BGQG, góp phần đề cao thượng tôn pháp luật, đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG?

- Để phát huy kết quả đạt được trong 20 năm thi hành Luật BGQG, đảm bảo giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau:

Một là, cùng với chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ BGQG, Luật Biên phòng Việt Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp, chiến lược lâu dài trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG; tăng cường trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước về biên phòng, BGQG của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương có biên giới.

Hai là, tiếp tục tổ chức xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG gắn với các chương trình, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu tiên, ưu đãi tạo điều kiện cho biên giới, khu vực biên giới phát triển; quan tâm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới.

Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, phối hợp với các lực lượng, các cấp, các ngành tăng cường quản lý nhà nước về BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, biên phòng với các nước láng giềng và các quốc gia khác; phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị và nhân dân hai bên biên giới; triển khai có hiệu quả mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng.

Bốn là, tiếp tục thể chế hóa và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về BGQG, khu vực biên giới; hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên phòng, BGQG tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ, đồng bộ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, BGQG, xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng.

Năm là, tiếp tục quan tâm xây dựng BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP!

Duy Khiêm (thực hiện)

Bình luận

ZALO