Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 07:42 GMT+7

Giấc mơ có thật của cậu học trò tật nguyền người Vân Kiều

Biên phòng - Hai năm đi học là ngần ấy thời gian Hồ Thanh Lâm (lớp 2A6, điểm trường Pa Nho, Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đến trường bằng đôi chân của bạn cùng lớp Hồ Anh Tân và Hồ Văn Phát. Tình cảm trong trẻo của những đứa trẻ ngây thơ đã lay động các giáo sư, bác sĩ cùng nhiều nhà hảo tâm. Những người chưa từng quen nhau, chưa từng biết mặt đã chung tay cùng tìm kiếm hi vọng chữa lành đôi chân cho cậu bé tật nguyền.

Hình ảnh hai bạn nhỏ Hồ Văn Phát và Hồ Anh Tân cõng bạn đến trường khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đến trường trên đôi chân của bạn

6 năm trước, khi Hồ Thanh Lâm tròn 1 tuổi thì cha bỏ đi biệt tích. Một mình mẹ của Lâm là bà Hồ Thị Ê chèo chống nuôi 5 đứa con, trong đó có Lâm bị khoèo chân và một người con trai mắc bệnh down không tự chăm sóc mình được. Bà Hồ Thị Ê bảo rằng, “Lâm sinh ra thì đôi chân đã có dấu hiệu teo và co quắp. Cháu chủ yếu chỉ bò và di chuyển bằng đôi tay vì không thể tự đứng lên. Khi thấy các bạn trong thôn đi học, Lâm nằng nặc đòi theo. Cuộc sống rất vất vả nhưng thương con, tôi đành bồng con đến lớp xin cho con nhập học”. Từ ngày con trai đi học, bà Ê vất vả hơn rất nhiều khi phải lo toan việc nhà, nhưng vẫn đều đặn buổi sáng chở con đến lớp, chiều lại tất tả đến trường đón con. Hôm nào đi nương về muộn, cậu bé Lâm phải ngồi ở lớp chờ. Hình ảnh cậu bé bị khoèo chân ngồi một chỗ hướng mắt ra cổng chờ mẹ đến đón khiến ai cũng thương.

Thương bạn, Hồ Anh Tân và Hồ Văn Phát thường ở lại chơi cùng Hồ Thanh Lâm cho đến khi mẹ Lâm tới. Một ngày, Tân và Phát bàn nhau cõng bạn về nhà thay vì đợi mẹ tới đón. Quãng đường từ trường về nhà gần 1km, hai bạn thay nhau người cõng, người xách cặp sách. Câu chuyện trên đường về của ba cậu học trò luôn rôm rả và rộn tiếng cười vui. Bà Hồ Thị Ê kể lại: “Hôm ấy, tôi đi nương về khá muộn, vội vàng bỏ gùi sắn xuống hiên nhà để đi đón con. Thế nhưng, khi nhìn ra cổng thấy hai đứa trẻ cõng con trai vào. Tôi mừng không nói nên lời và mọi mệt mỏi tan biến hết. Đưa tay đón lấy đứa con tật nguyền từ lưng của bạn, tôi nói lời cảm ơn hai cháu nhỏ vì nếu không có hai đứa trẻ ấy, con trai tôi lại phải ngồi chờ. Sau này, hai cậu bé Tân và Phát thường xuyên đến nhà cõng con trai tôi đi học và cõng về sau khi tan trường. Cũng nhờ vậy mà tôi có thời gian làm được nhiều việc hơn để lo cho các con”.

Từ đó, hôm nào mẹ Lâm bận việc nương rẫy, Tân và Phát đều đưa đón bạn đến trường trên lưng mình. Trên hành trình ấy, cả ba đều có thêm những niềm vui cho mình. “Cõng bạn cũng có khi mệt, nhất là khi tan học, bụng đói và những hôm trời mưa. Nhưng em và Phát động viên nhau cùng giúp đỡ bạn vì bạn thiệt thòi, không có đôi chân khỏe mạnh để tự đi và tham gia vào các trò chơi như các bạn khác. Ba chúng em, khi có bài tập nào khó cũng bày cho nhau, trên đường đến lớp thì cùng nhau học bài cũ rất vui. Cô giáo chủ nhiệm cũng thường xuyên động viên, khen rằng chúng em làm việc tốt, rất ý nghĩa nên chúng em rất vui” - Tân chia sẻ.

Điều kỳ diệu đã xảy ra

Không lâu sau khi biết tin về tình bạn đầy cảm động của Tân, Phát và Lâm, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến trao những suất quà quý giá nhằm động viên và chia sẻ cùng ba cậu học trò vùng cao. Cả ba đều là con em đồng bào Vân Kiều, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo nên mỗi món quà đối với các em đều rất quý giá. Cô Thái Thị Lan - người sáng lập quỹ học bổng “Cho con” chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng các mạnh thường quân trao học bổng bằng tiền mặt cho Lâm, đồng thời, tặng xe đạp và quà cho Tân, Phát để động viên các em. Tôi cũng mong trên chiếc xe đạp ấy, tình bạn giữa các em ngày càng gắn kết, chia sẻ cùng nhau và cho hành trình đến trường bớt nhọc nhằn”.

Hồ Thanh Lâm và Giáo sư, bác sĩ Rene D. Esser. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Hôm biết về câu chuyện của Hồ Thanh Lâm, anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau (ở thành phố Đà Nẵng) đã chia sẻ câu chuyện này lên Facebook của mình với mong muốn sẽ có thêm người đồng hành với khó khăn của cậu học trò người Vân Kiều này. Thật không ngờ, giữa muôn triệu người và cuộc đời rộng lớn, câu chuyện về đứa trẻ tật nguyền trên dãy Trường Sơn xa xôi nghèo khó lại có thể được những bác sĩ chuyên gia hàng đầu phẫu thuật xương khớp quan tâm. Chỉ vài ngày sau, anh Nam nhận được tin nhắn của Giáo sư Rene D. Esser về việc nhận mổ chân miễn phí cho bạn nhỏ và Bệnh viện Quốc tế Mỹ - AIH sẽ tài trợ kinh phí cho ca mổ này. Anh Nam mừng rỡ vô cùng vì Giáo sư Rene D. Esser là bác sĩ chuyên khoa ngoại chỉnh hình rất nổi tiếng. Như vậy, cơ hội Hồ Thanh Lâm có đôi chân bình thường đã ở phía trước.

Nghe tin con được hỗ trợ vào thành phố Hồ Chí Minh để can thiệp đôi chân, bà Hồ Thị Ê mừng rơi nước mắt. Chưa bao giờ đi xa, lại không nói sõi tiếng Việt, thế nhưng bà Hồ Thị Ê vẫn quyết định theo mọi người vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm lại đôi chân cho con trai. Biết là khó khăn, nhưng dù vất vả đến đâu, chỉ cần cho con hi vọng được đứng trên đôi chân mình thì bà cũng sẽ làm. Có được đôi chân, con trai bà sẽ được sống cuộc sống bình thường, được chạy nhảy như các bạn. Mong ước của người mẹ Vân Kiều ấy chẳng có gì hơn thế.

Hành trình hơn 1.000km của mẹ con bà Hồ Thị Ê, Hồ Thanh Lâm từ xóm núi đến thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có sự đồng hành của Giáo sư Rene D. Esser, Bệnh viện Quốc tế Mỹ - AIH, mà còn rất nhiều mạnh thường quân khác. Những người chưa từng quen nhau, chưa từng biết mặt đã cùng nhau chung tay để chuẩn bị cho Lâm nơi ăn, chốn ở khi đến thành phố nắm bắt cơ hội chữa lành đôi chân. Bản thân anh Nguyễn Bình Nam ban đầu rất phân vân vì việc không biết liệu có mang lại kết quả như mong muốn. Thế rồi, mọi sự lo lắng đã tan biến bởi sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu của ekip Bệnh viện Quốc tế Mỹ - AIH. Và Hồ Thanh Lâm được gặp Giáo sư, bác sĩ Rene D. Esser, được ông trực tiếp khám, trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ được đánh giá là thành công, cơ hội được đi lại bằng chính đôi chân của Hồ Thanh Lâm không còn xa nữa. Và cứ như thế, bằng tình yêu thương mà mọi người cùng chung tay trao gửi, hi vọng giấc mơ có một đôi chân lành lặn của cậu bé tật nguyền Hồ Thanh Lâm đã ở rất gần.

Anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ: “Việc Hồ Thanh Lâm được phẫu thuật can thiệp để chữa lành đôi chân là điều ngoài mong đợi đối với gia đình em và những người quan tâm đến em. Và một điều tuyệt vời nữa, khi nghe tôi tâm sự về những thiệt thòi của những bạn nhỏ ở vùng sâu của miền Trung, không có được may mắn tiếp cận những dịch vụ y tế hiện đại như ở nơi khác, Giáo sư Rene đã quyết định sẽ nhận điều trị thêm cho 2 ca chân khoèo nữa. Chúng tôi rất mong sẽ có thêm nhiều mạnh thường quân đồng hành để những em nhỏ tật nguyền được đến trường, thay đổi cuộc sống”.

Nguyễn Hòa Bình

Bình luận

ZALO