Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:19 GMT+7

Giải pháp cho môi trường xanh, sạch

Biên phòng - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm Việt Nam chi hơn 14.300 tỷ đồng cho xử lý rác sinh hoạt, chỉ bằng 0,23% GDP, thấp hơn một nửa so với chi phí bình quân toàn cầu (0,5% GDP).

Ảnh: minh họa

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chỉ rõ chủ nguồn thải phải chịu đầy đủ chi phí quản lý chất thải rắn và chịu trách nhiệm với chất thải, nhưng thực tế, nguồn kinh phí hiện nay (bao gồm ngân sách nhà nước và nguồn đóng góp của các chủ nguồn thải) chỉ đủ để trang trải chi phí thu gom và vận chuyển, chứ không đủ cho chi phí xử lý và tiêu hủy hợp vệ sinh, đảm bảo tính bền vững về môi trường.

Hiện, ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 70.000 tấn rác thải. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt ở các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom hơn 80%; con số này ở nông thôn là 32.000 tấn/ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc tiêu hủy thông thường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, số lượng các nhà máy xử lý rác thải được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây không theo kịp khối lượng rác phát sinh. Đáng lo ngại là, lượng chất thải rắn sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng 10-16%/năm, phần lớn chưa được xử lý.

Hệ lụy là tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Nhiều thành phần chất thải rắn độc hại và khó phân hủy làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, là nguồn gây ra các bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng...

Nhiều chuyên gia quan ngại, phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Cả nước hiện có chưa tới 100 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, mới đáp ứng khoảng 65% lượng rác, lượng rác còn lại bị vứt bỏ xuống ao hồ, kênh rạch, ven đường. Ngay cả các bãi chôn lấp rác vẫn là nguồn gây ra ô nhiễm môi trường do 80% bãi chôn lấp không đảm bảo vệ sinh an toàn.

Trong khi đó, các phương pháp tiên tiến như đốt rác hay sản xuất phân hữu cơ từ rác chưa phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Vì đầu tư một lò đốt công nghiệp hoặc dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ đòi hỏi kinh phí rất lớn.

Rõ ràng, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp và cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đang là bài toán nan giải của chính quyền các địa phương. Mặt khác, để có được mô hình xử lý rác thải phù hợp, cần phải có nguồn rác đã được phân loại. Phân loại rác tại nguồn không chỉ tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp, mà còn tiến tới tất cả các loại rác được xử lý, tái chế.

Theo tính toán, mỗi năm, Việt Nam thải bỏ 3,9 triệu tấn nhựa, nếu tất cả rác thải nhựa được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị, tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng hiện tại, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang lấy ý kiến các địa phương để hoàn chỉnh hướng dẫn quy định chi tiết phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, để đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Đây là lúc các bộ, ngành liên quan gấp rút đồng hành cùng các địa phương xây dựng các tiêu chí, chọn lựa được giải pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác phù hợp... để chung tay vì một Việt Nam xanh, sạch. Mỗi người dân hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO