Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 12:15 GMT+7

Giải pháp chống thất thu thuế

Biên phòng - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã trải qua 10 năm phát triển ấn tượng với mức tăng trưởng từ 20-30%/năm. Năm 2023, quy mô thị trường đạt 20,5 tỷ USD; con số này dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển đúng hướng và lành mạnh, nhà nước vẫn cần có những quy định và công cụ quản lý hiệu quả.

Đó là việc quản lý các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế. Việc kiểm soát dòng tiền và nguồn gốc, chất lượng hàng hóa cũng là câu chuyện không dễ dàng, do các giao dịch bán hàng online diễn ra mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là giao thương xuyên biên giới.

Chính vì thế, từ ngày 15/12/2022, Tổng cục thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Từ khi triển khai đến nay, đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… Cùng với đó, ngành Thuế đã thực hiện rà soát đối với 5.826 doanh nghiệp (DN) và 23.192 cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, để quản lý đầy đủ nguồn thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT, ngành Thuế đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và theo chuyên đề, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các DN là chủ sàn kinh doanh TMĐT; phạt, truy thu thuế, lệ phí 128,6 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng cục Thuế cho biết sẽ đề nghị cấm xuất cảnh và công khai danh tính đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Theo chuyên gia tài chính, chỉ có siết chặt các chế tài xử phạt thì mới hạn chế được hành vi trốn thuế. Bởi, bởi do phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng internet toàn cầu nên người mua người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định. Hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng nên khó quản lý được chính xác đối tượng.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số, thông qua mạng internet dẫn đến việc cơ quan thuế gặp khó khăn khi thu thập thông tin, xây dựng danh sách NCCNN để yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế.

Vì vậy, cơ quan quản lý Thuế, Bộ Công thương và các nhà mạng cần có thêm công cụ hiện đại để dò tìm phát hiện các giao dịch bán hàng trên mạng như thời gian, địa điểm giao dịch, phương thức giao nhận tiền - hàng. Nhất là sớm thúc đẩy xây dựng kho dữ liệu liên thông giữa các ngành Thuế, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Công thương, Thông tin và Truyền thông trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Mặt khác, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như phát triển các công nghệ, ứng dụng hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân thuận tiện trong việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử. Việc hiểu rõ vấn đề khai thuế, nộp thuế, chấp hành các quy định về kinh doanh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia bán hàng, thu lợi nhuận, để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Thiết nghĩ, Bộ Công thương sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, chất lượng, công dụng sản phẩm có đúng với nhãn mác, thông tin quảng cáo. Cơ sở để các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa và chống thất thu thuế rất cần sự hợp tác từ phía người tiêu dùng khi sẵn sàng từ chối trả tiền sản phẩm, nếu không nhận được hóa đơn, đảm bảo rằng mình mua hàng của ai, ở đâu, như thế nào.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO