Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 09/07/2024 12:14 GMT+7

Giành sự sống cho chiến sĩ Biên phòng từ lằn ranh sinh tử

Biên phòng - Cơn sốt bất ngờ tưởng như vô hại đã khiến Binh nhất Nguyễn Văn Toại, người dân tộc Nùng, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang rơi vào tình trạng nguy kịch. Chiến sĩ Toại lả dần, tim đập loạn nhịp, toàn thân lạnh buốt khiến cả đơn vị lo lắng, bất an.

Trước sự đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của đồng đội, những người lính Đồn Biên phòng Xín Cái đã không quản ngại vất vả, huy động mọi phương tiện để đưa chiến sĩ Toại đi cấp cứu kịp thời, giành lại được sự sống.

Bác sĩ Lưu Quang Minh (ngoài cùng, bên trái) cùng các bác sĩ Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tạm biệt binh nhất Nguyễn Văn Toại, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang sau khi đã điều trị thành công, được xuất viện. Ảnh: Bích Nguyên

Hạnh phúc cùng nhịp đập của trái tim chiến sĩ

Hôm nay, có lẽ là ngày vui nhất đối với Binh nhất Nguyễn Văn Toại, bởi em đã được các bác sĩ cho xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh sau gần nửa tháng “chiến đấu”, giành giật lại sự sống từ tử thần. Chàng lính trẻ hạnh phúc không bởi chỉ được cứu sống, khỏe mạnh, mà còn bởi cảm nhận sâu sắc tình đồng chí, đồng đội mà những người đồng đội trong đơn vị cũng như đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (gọi tắt là Bệnh viện 108) đã dành cho mình.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Toại cười tươi, luôn miệng cảm ơn những người đã hết lòng cứu sống mình. “Nếu không được các chú, bác ở đơn vị xuyên đêm đưa đi cấp cứu kịp thời, không được các bác sĩ cứu chữa tận tình thì có lẽ em đã không còn ngồi đây” - Toại tâm sự.

Chung niềm vui với Toại, không ai khác chính là những người đồng đội (Thiếu tá Nguyễn Xuân Nam và Thiếu tá Lê Huy Đức, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Xín Cái) và các y, bác sĩ của Bệnh viện 108 đã thay phiên túc trực chăm sóc cho anh từ ngày nhập viện.

Tiến sĩ Đặng Việt Đức, Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện 108 chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì đã cấp cứu thành công cho chiến sĩ Toại. Đây là ca bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong có thể lên đến hơn 90% nhưng nhờ sự quyết tâm, chúng tôi đã thành công. Khi can thiệp ECMO, bình thường phải mất 6-7 ngày bệnh nhân mới hồi phục được, nhưng Toại do có sức khỏe tốt, còn trẻ tuổi nên khả năng hồi phục rất nhanh, chỉ mất 3 ngày. Chúng tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc”.

Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Quang Minh - người trực tiếp điều trị cho chiến sĩ Toại cho hay: “Đêm 28/8, tôi nhận được tin sẽ có bệnh nhân trẻ tuổi khả năng cao bị viêm cơ tim từ Hà Giang xuống cấp cứu. Đêm đó, tôi lo lắng, bồn chồn không ngủ được, chỉ lo bệnh nhân không kịp về tới viện. Rất may là khi nhập viện, Toại vẫn còn tỉnh táo. Tôi nhớ mãi câu nói của Toại: “Các anh chị cứu em với. Em còn chưa lấy vợ”. Toại rất hợp tác trong điều trị nên đạt được kết quả nhanh. Chúng tôi phấn khởi vì đã điều trị thành công cho Toại”.

Sau chuỗi ngày âu lo, bất an, mất ăn, mất ngủ, chị Phan Thị Thơm, mẹ của chiến sĩ Toại là người cười tươi nhất trong ngày con được ra viện trở về đơn vị. Chị chia sẻ: “Lúc nghe tin con bị bệnh, tôi rất lo sợ. 1 tuần đầu, tôi không ngủ được. Đến khi các bác sĩ điều trị cho con qua khỏi cơn nguy hiểm, tôi mới hết lo. Hôm nay, con đã bình an, khỏe mạnh, tôi mừng lắm. Cảm ơn các bác sĩ đã giúp con tôi thoát chết, trở về với gia đình”.

Hành trình lấy lại nhịp tim

Bồn chồn theo từng nhịp thở có lẽ là cụm từ miêu tả chính xác nhất cảm xúc của Thiếu tá Nguyễn Xuân Nam khi theo dõi diễn tiến sức khỏe của chiến sĩ Toại từ lúc khởi bệnh đến khi đưa được chiến sĩ này tới Bệnh viện 108.

Bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện kỹ thuật ECMO thức tỉnh cứu sống Binh nhất Nguyễn Văn Toại. Ảnh: Trần Liên

Nhớ lại hành trình đưa Toại đi cấp cứu, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lo lắng, hồi hộp đến thở phào nhẹ nhõm rồi vỡ òa hạnh phúc. “Hơn 30 năm làm quân y nhưng ca bệnh của chiến sĩ Toại là lần đầu tiên tôi gặp. Suốt hành trình gần 20 giờ đồng hồ di chuyển hơn 500km từ xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xuống Bệnh viện 108 (Hà Nội), tôi luôn trong tâm trạng lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của đồng đội mình. Chỉ đến khi đưa được cháu tới được Bệnh viện 108, tôi mới thấy bớt căng thẳng. Thời điểm các bác sĩ thực hiện các thủ thuật cấp cứu thành công cho chiến sĩ Toại thực sự xúc động và hạnh phúc”.

Theo lời kể của các cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái, hành trình cứu sống chiến sĩ Toại khá gian nan. “Đầu tiên, Toại báo bị sốt, tôi khám và thấy góc hàm sưng lên. Tôi cho Toại uống kháng sinh, hạ sốt, kháng viêm. Đến ngày thứ 3, cháu nói là mệt, tức ngực, khó thở rồi lên cơn sốt, đắp 3-4 cái chăn bông rồi mà vẫn lạnh, tim mạch, huyết áp không ổn định” - Thiếu tá Nam kể lại.

Trước diễn biến bệnh rất nhanh và nặng, Đồn Biên phòng Xín Cái đã liên hệ với Trạm Y tế Xín Cái, rồi Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc để đưa chiến sĩ Toại vào điều trị. Khó khăn là trời có mưa, đường sá bị sạt lở nhiều đoạn, ô tô, xe máy đều không đi được.

“Chúng tôi phải đi bộ, tụt dốc, theo đường tắt để đi qua các đoạn sạt lở. Thượng úy Nguyễn Văn Thuận (nhân viên Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm) cõng chiến sĩ Toại, trong khi tôi và Thượng úy Đỗ Hữu Lâm (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng) đỡ hai bên. Binh nhất Nguyễn Văn Chính thì xách đồ, còn Trung tá Nguyễn Văn Thanh (nhân viên Đội Vận động quần chúng) đi vào nhà dân mượn xe máy để đưa ra vị trí xe cấp cứu đang trên đường lên. Trời mưa, đường đầy bùn đất trơn trượt, rất khó đi, nhưng anh em chúng tôi động viên nhau cố gắng hết sức đưa Toại tới được bệnh viện huyện rồi từ đó đi tiếp tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. 20 giờ ngày hôm đó, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển, đến hơn 4 giờ ngày 29/8 thì tới Bệnh viện 108” - Thiếu tá Nam kể.

Quá trình di chuyển, các cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái đã liên hệ trước với Bệnh viện 108 để chuẩn bị mọi phương tiện cấp cứu kịp thời. Suốt đêm đó, bác sĩ Minh liên tục trao đổi với anh Nam về tình hình sức khỏe của Toại.

“Hôm đó, các máy móc của bệnh viện đã làm việc hết công suất. Tuy nhiên, chúng tôi xác định, đối với các cán bộ, chiến sĩ trong quân ngũ phải hỗ trợ tối đa nhất. Do đó, tôi hỏi rất kỹ các thông số độ tuổi, chiều cao, cân nặng, tình hình diễn tiến bệnh của Toại để chọn các dụng cụ, thiết bị, máy móc phù hợp nhất” - bác sĩ Minh chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Việt Đức khám cho Binh nhất Nguyễn Văn Toại trước khi xuất viện. Ảnh: Bích Nguyên

Tại Bệnh viện 108, chiến sĩ Toại đã được đặt ECMO để qua cơn nguy hiểm. Điều đặc biệt là các bác sĩ Bệnh viện 108 đặt kỹ thuật ECMO trong điều kiện bệnh nhân thức tỉnh. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có Bệnh viện 108 thực hiện.

“Ưu điểm của phương pháp điều trị này là bệnh nhân vẫn tỉnh, các chức năng thần kinh và phổi vẫn hoạt động bình thường. Quá trình chạy ECMO có thể gây các nguy cơ biến chứng ở hệ thống tuần hoàn ngoài tim. Với việc bệnh nhân thức tỉnh, bệnh nhân có thể cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể và trao đổi với bác sĩ. Cụ thể ở đây, khi đang điều trị, Toại có nói là em đau quá. Nghe vậy, chúng tôi biết ngay có cục huyết khối ở chân phải. Đây là những biến chứng thường gặp khi điều trị bằng kỹ thuật ECMO, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể phải cắt chi. Ngay lập tức, chúng tôi can thiệp lấy cục huyết khối ra nên chân phải bệnh nhân đã đi lại được” - bác sĩ Đặng Việt Đức cho biết.

Bác sĩ Đức chia sẻ, kết quả điều trị ca bệnh của chiến sĩ Toại không chỉ là sự thành công về chuyên môn, mà còn là sự thành công của việc kết nối thông tin, phối hợp điều trị giữa các tuyến điều trị từ vùng sâu, vùng xa tới Trung ương, xử trí ban đầu. Đó cũng là biểu hiện chân thực tình đồng chí, đồng đội cũng như tinh thần trách nhiệm, cứu chữa tận tình bệnh nhân của các bác sĩ Bệnh viện 108.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO