Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:09 GMT+7

Giữ rừng ngập mặn Cà Mau

Biên phòng - Trở lại Cà Mau lần này, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là màu xanh của rừng ngập mặn (RNM) đã phủ rộng khắp các bãi bồi ven biển. Người Cà Mau bây giờ tích cực trồng và khôi phục RNM để canh tác, nuôi trồng thủy sản thay vì chỉ khai thác rừng như trước kia.

Hàng ngàn héc-ta rừng ngập mặn ở Cà Mau đã được phục hồi, bảo vệ và trồng mới trong những năm qua. Ảnh: Bích Nguyên

Tính đến đầu năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp của Cà Mau là hơn 164.600ha (diện tích có rừng là hơn 96.000ha). Trong đó, tổng diện tích rừng và đất rừng trồng ven biển là trên 52.000ha. Diện tích RNM của Cà Mau tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, nhưng nhiều nhất ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Phủ xanh đất bồi

Đứng trên kỳ đài của công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có thể bao quát vùng rừng đước rộng lớn xanh tươi, bãi bồi Đất Mũi và biển Đông mênh mông. Khu rừng đước bao la trước mắt chúng tôi nằm trọn trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM) với hệ sinh thái RNM rất đa dạng. Trên diện tích gần 42.000ha của VQGMCM, các nhà khoa học ghi nhận 60 loài thực vật, trong đó có 27 loài cây ngập mặn; 26 loài thú, 101 loài chim, 43 loài bò sát: 9 loài lưỡng cư, 139 loài cá, 24 loài tôm... Với những đặc điểm độc đáo, riêng có và hệ động thực vật phong phú, VQGMCM đã được công nhận nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là Khu Ramsar thứ 2088 của thế giới, thứ 5 của Việt Nam và thứ 2 của Đồng bằng sông Cửu Long.

VQGMCM từng chịu sức ép rất lớn từ hàng ngàn người dân sinh sống trong rừng. Theo người dân địa phương nói lại, cư dân sống ở VQGMCM từ những năm 1970. Phần lớn trong số này là dân di cư tự do không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định. Họ chủ yếu làm nghề khai khác thủy sản theo mùa và khai thác tài nguyên dưới tán rừng, chặt cây lấy gỗ, lén lút hầm than... Chính điều này đã gây áp lực rất lớn, xâm hại đến tài nguyên rừng. Chính quyền tỉnh Cà Mau đã phải giải tỏa, di dời, sắp xếp ổn định hàng ngàn hộ dân sống trong rừng để bảo vệ rừng và nguồn lợi thủy sản. Hiện còn 221 hộ dân sinh sống ven rừng, họ được thuê khoán bảo vệ một phần diện tích rừng.

Nhờ những biện pháp “mạnh tay” của chính quyền,VQGMCM đã được bảo vệ tốt hơn, tình trạng chặt phá rừng giảm dần. Thêm vào đó, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc khôi phục phần RNM bị chặt phá và trồng mới rừng. Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, cùng với việc bảo vệ chặt chẽ VQGMCM, chính quyền xã còn chú trọng gây bồi tạo bãi. “Mé biển Tây mỗi năm bồi ra 50-70m, chúng tôi trồng mắm và đước để giữ ­đất” - ông Thương nói.

Cũng theo ông Thương, RNM Mũi Cà Mau hiện được quản lý chặt chẽ hơn và đang tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ở những khu vực được giao thuê khoanh nuôi, người dân nuôi trồng các loại thủy sản đặc hữu của địa phương dưới tán rừng. Một số hộ dân cũng cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm RNM cho khách du lịch. Các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch khám phá RNM đang mang lại thu nhập cao và bền vững cho người dân. Ở chiều ngược lại, người dân cũng nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường rừng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch của mình.

Nỗ lực giữ rừng

Xét về góc độ địa lý, Cà Mau là địa phương duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển. Đặt trong điều kiện vị trí địa lý như vậy, có thể thấy rõ vai trò quan trọng hàng đầu của RNM, là lá chắn tự nhiên ngăn chặn xâm thực, xói lở, bảo vệ các khu vực ven biển và cộng đồng dân cư. Mặt khác, RNM còn giúp bồi tạo lấn biển, gia tăng diện tích đất liền. Không chỉ vậy, RNM Cà Mau còn có vai trò như một lá phổi xanh, điều hòa khí hậu cho toàn vùng.

Điều đáng lo ngại là RNM ở Cà Mau đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây, rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau có nhiều khu vực bội tụ tự nhiên như khu vực bãi bồi Mũi Cà Mau huyện Ngọc Hiển; khu vực Mỹ Bình huyện Phú Tân, khu vực Khánh Hội huyện U Minh... Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình xói lở bờ biển diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, làm cho dải rừng phòng hộ ven biển bị thu hẹp dần. Hiện tại, có nơi đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, đặc biệt là bờ biển phía Tây Nam (khoảng 20 – 30m), cá biệt có những nơi không còn đai rừng.

Sản vật đặc trưng của rừng ngập mặn Cà Mau bày bán tại khu vực Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Bích Nguyên

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đang nỗ lực khôi phục và phát triển rừng. Địa phương này đã san lấp mặt bằng (kênh, bờ trong các khuôn hộ nhận khoán) để trồng lại rừng ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đồng thời khoanh nuôi tái sinh khu vực bãi bồi ổn định (rừng phòng hộ, đặc dụng tại Mũi Cà Mau); trồng rừng ven biển có hàng rào giảm sóng ở khu vực bãi bồi. Bên cạnh đó, Cà Mau đã xây dựng công trình gây bồi tạo bãi để trồng rừng ở khu vực có sạt lở; tăng cường trồng cây phân tán trong nhân dân, trồng cây phòng hộ ven sông, kênh, rạch chống sạt lở bảo vệ đất đai. Cùng với đó, Cà Mau kiên quyết tổ chức giải tỏa các tụ điểm phá rừng trái pháp luật, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 13/CT-TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong năm 2020, địa phương này đã trồng mới 500ha; trồng rừng sau khai thác trên 3.000ha và trồng 3 triệu cây phân tán. Bên cạnh đó,các địa phương cũng tổ chức bảo vệ tốt hơn 49.000ha rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển. Các địa phương cũng khoanh nuôi tái sinh rừng được 300ha và chăm sóc tốt cho hơn 10.000ha rừng trồng, nâng diện tích có rừng tập trung đạt khoảng 96.500ha, tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán ước đạt 26%...

Hiện tại, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của RNM, chính quyền tỉnh Cà Mau đang tiếp tục triển khai nhiều dự án khôi phục, bảo vệ và phát triển RNM. Thông qua đó giải quyết các thách thức về môi trường, xã hội và quản lý rủi ro thiên tai.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO