Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:13 GMT+7

Giúp dân xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn

Biên phòng - Những người lính mang quân hàm xanh trên biên giới Lào Cai bằng trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm đã và đang triển khai thực hiện những chương trình, mô hình, phần việc thiết thực để góp phần giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở nơi biên cương Tổ quốc.

Ngựa bạch là loài vật nuôi có khả năng mang lại hiệu quả cao cho đồng bào DTTS. Ảnh: Hoàng Thu

Si Ma Cai là huyện biên giới, cách trung tâm tỉnh Lào Cai 100km, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện lên tới 95%. Huyện nằm trên độ cao trung bình từ 1.200 đến 1.800m. Do ảnh hưởng của địa hình núi cao nên diễn biến khí hậu khá phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống và sản xuất của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chính vì thế, hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Si Ma Cai vẫn còn 40,74%, là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai. Trong tình hình đó, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội để yên tâm trở thành những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biên giới là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, trong đó có BĐBP.

Một trong những vật nuôi truyền thống ở huyện biên cương này là ngựa, song số lượng hạn chế so với các loại gia súc khác. Toàn huyện chỉ có khoảng 500 con, phần nhiều trong số đó là ngựa đen, ngựa đỏ, số lượng ngựa bạch ít, chỉ khoảng 100 con. Nhận thấy những lợi ích lớn của việc phát triển chăn nuôi ngựa bạch và với mong muốn tạo ra một mô hình mẫu để đồng bào các DTTS chứng kiến và nghiên cứu làm theo, Đồn Biên phòng Si Ma Cai, BĐBP Lào Cai đã thí điểm việc nuôi ngựa bạch.

Những người có thâm niên lâu năm chăn nuôi ngựa ở Lào Cai cho biết, ngựa là loài vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu chỉ là cỏ, chuối, cây ngô và cám công nghiệp. So với bò, ngựa cũng ăn ít hơn, mỗi ngày chỉ 2 lần ăn, mỗi lần khoảng 5kg cỏ. Hơn nữa, ngựa ít bị bệnh tật. Còn so trong loài thì ngựa bạch càng quý hơn ngựa đen, ngựa đỏ. Ngựa bạch có thuộc tính hiền, rất dễ nuôi. Thịt ngựa bạch ngọt, mềm hơn thịt ngựa đen, ngựa đỏ. Xương ngựa bạch còn có thể nấu cao. Cao xương ngựa bạch cho chất lượng tốt, có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương cơ, có tác dụng điều trị đặc trưng với một số bệnh lý cụ thể như viêm khớp, bệnh cột sống thắt lưng, bệnh hen phế quản, bổ dưỡng cho trẻ còi xương, bệnh tiểu đường...

Lợi ích nhiều là thế, nhưng việc phát triển đàn ngựa bạch không đơn giản. Nguyên nhân là càng quý thì giá giống càng cao, đòi hỏi người chăn nuôi phải có nguồn vốn lớn. Một con ngựa bạch giống hiện giờ có giá tới 30 triệu đồng. Vậy nên, không dễ để đồng bào DTTS ở một huyện nghèo còn dựa chủ yếu vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh như Si Ma Cai có thể mở rộng đàn.

Thực hiện ý tưởng này, những diện tích đất trống xung quanh Đồn Biên phòng Si Ma Cai được tận dụng để trồng cỏ voi cung cấp thức ăn cho đàn ngựa bạch nuôi nhốt trong chuồng. Gắn bó, chăm sóc đàn ngựa bạch một thời gian, Đại uý Sùng A Trơ, cán bộ đơn vị nhận xét, nuôi ngựa bạch khá dễ, ngoài đảm bảo thức ăn, chỉ cần thường xuyên theo dõi, lúc nào chúng có biểu hiện đau ốm thì báo cho cán bộ thú y tới khám.

Đàn ngựa nhốt được các chiến sĩ Biên phòng cung cấp thức ăn đầy đủ nên sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 5 năm, từ 4 con ban đầu, nay đồn đã có 9 con. Giá thành ngựa bạch trưởng thành (khoảng 4 - 5 tuổi) đủ điều kiện nấu cao rất cao, khoảng 200 triệu đồng một con, cao gấp 6 - 7 lần giá thành một con ngựa giống và cao hơn nhiều giá các loại gia súc khác mấy năm nay thường biến động theo xu hướng xuống thấp.

Trung tá Phạm Đức Hậu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai cho biết: "Trước đây, người dân quanh vùng đã có truyền thống nuôi ngựa đen nhưng hiệu quả không cao bằng nuôi ngựa bạch. Vì vậy, đồn mong muốn, thông qua mô hình này sẽ giúp người dân vùng biên quan sát, học hỏi, ứng dụng nhằm tạo sinh kế mới, tăng thu nhập, đồng thời góp phần nhân đàn giống ngựa quý".

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai là minh chứng cho sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025. Trong đề án này, tỉnh Lào Cai đặt vấn đề phát huy kiến thức bản địa để tạo ra các sản phẩm vùng miền, đặc hữu, gắn với du lịch, sản phẩm OCOP và chuỗi giá trị.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, chuyển đổi mạnh hình thức phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao; phấn đấu tổng đàn gia súc đạt 695.000 con, tổng sản lượng thịt hơi đạt 68.500 tấn. Riêng đàn ngựa sẽ giữ ổn định ở mức 7.000 con. Giúp dân phát triển kinh tế, 4 năm qua, Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã hỗ trợ 12 hộ nghèo về cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để bà con có sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững, yên tâm bám trụ biên cương.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai luôn gần gũi, gắn bó, giúp đỡ đồng bào DTTS trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Thu

Bên cạnh giúp dân làm kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai còn luôn bám địa bàn, nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ khó khăn để lên phương án giúp đỡ dân phù hợp nhất. Cũng như nhiều địa phương miền núi khác, Si Ma Cai đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Những đợt mưa bây giờ thường vừa lớn, vừa dai dẳng. Sinh sống bao năm bên sườn đồi, mỗi khi mùa mưa đến, nỗi lo thường trực của gia đình anh Lù Văn Thắng, ở thôn Nàn Vái, xã Nàn Sán là nhà bị sập.

Thấu hiểu nỗi lo đó của gia đình anh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai đã quyên góp ủng hộ ngày lương và vận động xã hội hóa được 80 triệu đồng, lại nhiệt tình hỗ trợ về ngày công giúp gia đình làm được căn nhà mới kiên cố, chấm dứt cảnh sợ hãi mỗi khi mưa xuống. Không chỉ có gia đình anh Thắng, đồn đã vận động xã hội hóa giúp đỡ 13 hộ gia đình khác làm nhà ở, xóa cảnh dột nát, tạm bợ, với tổng số tiền 700 triệu đồng. Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai còn đỡ đầu em Lù Seo Lử, ở thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải hoàn thành xong chương trình lớp 12, tạo cơ sở cho em thực hiện ước mơ thi vào Học viện Biên phòng.

Thiếu tá Lý Văn Vinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Si Ma Cai chia sẻ: "Quán triệt phương châm sống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, đồng cảm, chia sẻ với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thực hiện nhiều việc làm, từ việc giúp dân phát triển sản xuất bằng các mô hình nuôi lợn đen, dê, bò, ngựa đến xây dựng các tuyến phố văn minh ở trung tâm huyện lỵ... Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai đặt mục tiêu giữ vững các mô hình đã phát huy hiệu quả thời gian qua và tiếp tục nghiên cứu thực hiện những mô hình có triển vọng phát triển tốt hơn trong thời gian tới, từ đó, hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở nơi biên cương".

Hoàng Thu

Bình luận

ZALO