Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:02 GMT+7

Gỡ khó trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 sau gần 2 năm chính thức đi vào thực hiện tại thực tiễn địa phương đã đạt được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, do đây là một CTMTQG mới nên chưa có sự kế thừa kinh nghiệm triển khai. Chương trình lại được thực hiện tại địa bàn rộng lớn, có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, xa các trung tâm lớn; thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, không đồng đều... cùng một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác đã dẫn đến quá trình đưa Chương trình vào thực tiễn cuộc sống còn gặp khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ khó trong tổ chức thực hiện.

Chương trình lại được thực hiện tại địa bàn rộng lớn, có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, xa các trung tâm lớn; thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Các hộ nghèo, cận nghèo sinh sống chủ yếu ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, điều kiện sản xuất không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, không đồng đều... cùng một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác đã dẫn đến quá trình đưa Chương trình vào thực tiễn cuộc sống còn gặp khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ khó trong tổ chức thực hiện.

Hiện nay, một số hoạt động thuộc CTMTQG vùng DTTS&MN còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chẳng hạn với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đang gặp vướng mắc tại nội dung mức khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng giao cho các Ban quản lý rừng đặc dụng không thống nhất giữa các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Thông tư của Bộ Tài chính.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo làm mẫu hướng dẫn cho các hộ cho hội viên, phụ nữ dân tộc Mông các bản: Xía Nọi, Mùa Xuân, xã Sơn Thủy và bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn canh tác rau màu. Ảnh: Quốc Toản

Tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN trong Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực): Mặc dù mức hỗ trợ tiền ăn đã được nâng lên là 50.000 đồng/người/ngày thực học sau khi Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính được ban hành thay thế cho Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022; tuy nhiên định mức hỗ trợ như vậy là rất thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, gây khó khăn cho học viên tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Trồng cây dược liệu quý là một trong những giải pháp thoát nghèo cho đồng bào DTTS&MN. Ảnh: Mộc Trà

Tại Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em: Hoạt động củng cố/thành lập tổ Tiết kiệm vay vốn thôn bản gặp vướng mắc liên quan đến quy định hiện hành nên tạm dừng triển khai. Việc hỗ trợ phụ nữ DTTS xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn triển khai hoạt động là vùng sâu vùng xa, đi lại không thuận lợi, người dân còn quen với tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận các chủ trương, chính sách của Đảng thông qua kết nối Internet. Ảnh: Hoàng Huy

Một trong những bất cập khác trong tổ chức thực hiện CTMTQG vùng DTS&MN là sự chưa đồng bộ về cơ quan tham mưu chủ trì Chương trình giữa các cấp. Ở cấp tỉnh, có 2/49 địa phương thực hiện Chương trình không có Ban Dân tộc và do sở, ngành khác thực hiện là Ninh Bình và Tây Ninh. Ở cấp huyện, tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn có Phòng Dân tộc. Ở cấp xã, việc phân công công chức phụ trách công tác dân tộc chưa thống nhất. Có địa phương giao công chức văn phòng - thống kê; có địa phương giao công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm công tác dân tộc... dẫn đến việc triển khai Chương trình gặp nhiều khó khăn.

Các khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số nội dung thuộc CTMTQG đã đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về Kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, trong đó có CTMTQG vùng DTTS&MN, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt CTMTQG vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện Chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày trong phiên họp. Ảnh: Vietnam+

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình MTQG DTTS và MN để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Dự án 3.

Giải pháp khác nữa là tăng cường phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động hỗ trợ, đầu tư của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Đồng thời cần đẩy mạnh việc phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động của chương trình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong triển khai Chương trình từ khi chuẩn bị đến thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thực hiện đúng mục tiêu; kịp thời giải quyết, xử lý, khắc phục những hạn chế, sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đôn đốc, kịp thời có phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của CTMTQG vùng DTTS&MN đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nhằm từng bước thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, khơi dậy ý chí chủ động, tự chủ, vươn lên của đồng bào các dân tộc.

Về phía Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ quản Chương trình, cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn cơ chế điều phối, quản lý tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là tại các địa phương không có Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc; phối hợp với các bộ, cơ quan chủ trì nội dung thành phần tăng cường hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực tổ chức triển khai cho đội ngũ cán bộ thực hiện CTMTQG vùng DTTS&MN ở các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung Đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận. Ảnh: Báo Dân tộc

Hy vọng với hàng loạt các giải pháp gỡ khó được triển khai thì những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình trong các năm 2024, 2025, hướng tới mục tiêu hoàn thành khả thi các chỉ tiêu đã đề ra cho giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Thực hiện: Hà Mi - Đức Bình

Bình luận

ZALO