Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 03:03 GMT+7

Gỡ mọi “rào cản” cho doanh nghiệp

Biên phòng - Nhìn vào con số 86,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại khi lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường những tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tình hình doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua. Trong 5 tháng đầu năm 2024 có 98.825 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023) và cao hơn con số 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường từ đầu năm nay.

Mặc dù, chưa thể khẳng định khu vực doanh nghiệp đã quay trở lại quy luật trước đây, song rõ ràng tình hình đăng ký doanh nghiệp đang có bước chuyển tích cực và Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.

Nhưng đáng lo ngại là tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2024 chỉ đạt 1.268.105 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023). Số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 666.885 tỷ đồng (giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2023). Điều này cho thấy, tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm, nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn tín dụng.

Đánh giá những tác động dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế chỉ ra, hệ lụy từ suy thoái toàn cầu và xung đột chính trị, quân sự của các nước trên thế giới khiến cho cung, cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gẫy... Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng ở mức độ thấp.

Ngoài ra, các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp giải thể.

Do vậy, đại biểu kiến nghị đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng các giải pháp như tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng chính sách tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ động kịp thời trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, nhất là vấn đề xác định giá đất cụ thể.

Nhấn mạnh các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như: miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước; đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số thương mại điện tử... đã phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, các đại biểu đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.

Trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế; doanh nghiệp cần được quan tâm, bảo vệ và trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển. Theo đó cần tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO