Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 07:41 GMT+7

Gốm Bàu Trúc - Sáng tạo để phát triển

Biên phòng - “Trong hơi thở của cuộc sống đương đại, muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi, chúng tôi không thể đi ngược lại xu thế” - đó là chia sẻ của anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc. Theo anh Thuần, sự thay đổi ở đây là khoác lên tấm áo mới cho gốm Chăm kết hợp hài hòa các yếu tố văn hóa phương Đông, phương Tây mà vẫn giữ nguyên vẹn chất gốm và nét văn hóa Chăm.

Gốm Chăm được làm thủ công hoàn toàn. Ảnh: Thu Hằng

Nghề trăm tuổi

Làm gốm là nghề truyền thống lâu đời và được kế thừa từ đời này sang đời khác của người Chăm ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Trong số 500 hộ người Chăm ở đây, có tới 70% làm nghề gốm truyền thống.

Người Chăm tự nhận mình là con cháu của Pô Kong Chang, một quan cận thần của vua Pô Long Giarai (1151-1205) và được ông truyền cho nghề gốm. Nếu chiếu theo dấu mốc này, nghề gốm của người Chăm có gần 900 năm tuổi. Ở làng gốm Bàu Trúc, người ta làm gốm hoàn toàn bằng tay. Từ những khối đất sét có độ kết dính khá cao, người thợ gốm dùng bàn tay của mình để chế tác thành những sản phẩm khác nhau. Dụng cụ làm gốm rất đơn giản, bao gồm: Vòng cây duối để chà lằng, vòng tre dùng để cạo mỏng gốm, cây chọc lỗ, khăn vải chà láng, răng lược, vỏ sò để tạo hoa văn.

Sự khác biệt trong kỹ thuật làm gốm của người Chăm là đi giật lùi nặn, vuốt để tạo hình sản phẩm. Trải qua các công đoạn: Làm đất, chà láng gốm, trang trí hoa văn, chỉnh sửa và nung, người Chăm mới cho ra lò sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Tùy theo trình độ và sự khéo léo của mình mà mỗi người thợ thổi hồn vào sản phẩm sự tinh tế, sắc sảo, độc đáo của nó. Không giống như các làng gốm khác, gốm Chăm không nung trong lò mà nung lộ thiên trong khoảng 6 giờ.

Gốm Bàu Trúc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc cực thịnh, có lúc mất dần vị thế, tồn tại “lay lắt” do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi và sự phát triển như vũ bão của các mặt hàng từ chất liệu nhựa, nhôm, Inox.

Năm 2008, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà trưng bày gốm và thành lập HTX gốm Chăm Bàu Trúc như một giải pháp bảo tồn làng gốm đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng chừng đó là chưa đủ để vực dậy sức sống của một làng nghề. “Số sản phẩm làm ra nhiều nhưng chủ yếu là phục vụ cho đun, nấu nên không tiêu thụ được. Doanh thu của HTX sau khi trừ chi phí không đảm bảo công ăn việc làm cho các thành viên. Do thu nhập thấp, HTX chỉ dậm chân tại chỗ, nhiều lúc, HTX phải ngưng hoạt động, đóng cửa, nợ thuế” - Anh Thuần cho biết.

Thay đổi để tồn tại và phát triển

Khoác áo mới cho gốm truyền thống là cụm từ đúng nghĩa nhất diễn đạt cách thức người Chăm ở Bàu Trúc đã và đang làm để giữ và phát triển nghề thủ công chứa đựng giá trị văn hóa không thể đo đếm được của mình.

Thị hiếu người tiêu dùng hiện đại đòi hỏi sản phẩm gốm phải độc đáo và có tính thẩm mỹ cao. Những người “sống chết” với gốm buộc phải thay đổi tư duy, cải tiến kiểu dáng, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới. Sản phẩm truyền thống như đồ gia dụng (lu, chum, vại, lò, ấm, nồi) giờ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong mẫu hàng của làng gốm. Thay vào đó, những người thợ gốm sáng tạo ra hàng ngàn sản phẩm mới, hoa văn độc đáo gồm gốm mỹ nghệ, gốm trang trí, gốm lưu niệm... Tiên phong trong xu thế sản xuất dòng sản phẩm gốm mới là HTX gốm Chăm Bàu Trúc được củng cố kiện toàn lại từ năm 2014. Đến nay, HTX có 46 thành viên, đã trả hết nợ tồn đọng của những năm trước, tạo nhiều công ăn việc làm cho những thành viên.

Anh Thuần cho biết: “Dòng sản phẩm gia dụng giờ chỉ chiếm 20% tổng sản phẩm chúng tôi sản xuất. Hiện nay, HTX tập trung phát triển dòng gốm trang trí, gốm lưu niệm, gốm mỹ nghệ có tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, có sản phẩm lên tới 50 triệu đồng như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các tượng thần của văn hóa Chăm và các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông. Ở mỗi sản phẩm, người tiêu dùng đều có thể thấy được yếu tố hiện đại kết hợp hài hòa với những đường cong, họa tiết, hoa văn cách điệu đặc trưng của văn hóa Chăm. Đó chính là nét riêng, mang bản sắc đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của gốm Chăm với mọi người”.

Làng gốm truyền thống Bàu Trúc với giá trị văn hóa, tinh thần vốn có của nó đã tạo sức hấp dẫn riêng để kéo du khách đến với mình. Tương tác với đó, du khách đến thăm làng gốm cổ ngày càng đông giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng gốm rộng rãi hơn. Trong mối quan hệ hữu cơ ấy, cả làng gốm và du khách đều được hưởng lợi. Số khách quốc tế đến thăm quan làng gốm đông lên theo thời gian, trong đó ngày cao nhất, HTX gốm Chăm Bàu Trúc đón 300 khách nước ngoài. “Khách du lịch đến thăm làng gốm chính là một kênh quảng bá trực tiếp của chúng tôi. Nhờ du khách, sản phẩm của Bàu Trúc đã đi khắp cả nước và xuất sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Italia... Chúng tôi vừa đóng xong một kiện 40 thùng hàng sang Nga” - Anh Thuần phấn khởi nói.

Nhìn về tương lai, anh Thuần cho biết, cùng với việc tiếp cận, cung ứng sản phẩm gốm trang trí cho các khu resort, khách sạn, HTX gốm Chăm Bàu Trúc sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua việc sáng tạo các tác phẩm mới kết hợp hài hòa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, chỉ người dân làng gốm thôi thì không thể làm được mà phải có sự “trợ giúp” từ Nhà nước.

“Khó khăn nhất đối với làng nghề là vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho HTX được vay vốn tín chấp để mở rộng sản xuất kinh doanh; được tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ kinh phí để mở các lớp đào tạo nghề cho các thế hệ kế cận - Anh Thuần chia sẻ.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO