Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 10:58 GMT+7

Công tác đào tạo học viên quân sự Lào và Campuchia:

Góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Biên phòng - Học viện Biên phòng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của BĐBP. Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn học viên QĐND Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia; đến nay, đã tổ chức đào tạo hàng trăm lượt học viên. Công tác đào tạo của Học viện Biên phòng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đồng thời, góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Học viên của QĐND Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia học tập tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Quang Huy

Từ năm 2002, Trường Đại học Biên phòng, nay là Học viện Biên phòng được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn học viên quân sự QĐND Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Hơn 20 năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, khoa, ban, đơn vị tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập đối với học viên quân sự QĐND Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia, giúp học viên yên tâm học tập, công tác.

Từ năm 2002 đến nay, Học viện Biên phòng đã và đang đào tạo cho QĐND Lào với 18 khóa đại học, 7 khóa cao học, nhiều khóa tập huấn cán bộ quản lý biên giới, cửa khẩu, trinh sát biên phòng, chỉ huy - tham mưu và giáo viên biên phòng. Hiện nay, Học viện đang đào tạo cho QĐND Lào gồm 9 khóa học viên; trong đó có 2 khóa cao học, 4 khóa đại học, 1 khóa tập huấn trinh sát biên phòn, 1 khóa tập huấn chỉ huy - tham mưu và 1 khóa tập huấn giáo viên biên phòng.

Học viện Biên phòng cũng đã và đang đào tạo cho Quân đội Hoàng gia Campuchia 19 khóa đại học, 1 khóa cao học, các khóa tập huấn nghiệp vụ quản lý biên giới và giáo viên biên phòng. Hiện nay, Học viện đang đào tạo 4 khóa đại học, 1 khóa tập huấn nghiệp vụ quản lý biên giới và 1 khóa tập huấn giáo viên biên phòng.

Công tác xét chọn, cử cán bộ, học viên sang Học viện Biên phòng đào tạo, tập huấn do các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia thực hiện. Về chương trình đào tạo, tập huấn, Học viện đã xây dựng theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP; được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong tổ chức điều hành huấn luyện; đối với các lớp, các khóa, Học viện đều xây dựng kế hoạch huấn luyện toàn khóa, từng năm học, học kỳ, lịch huấn luyện tháng và triển khai cho các khoa, cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong khóa học, Học viện đã tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, tham quan tại một số đơn vị tùy theo chương trình và đối tượng đào tạo. Các khoa giáo viên đã bố trí giảng viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao thực hiện giảng dạy đối với học viên quân sự Lào và Campuchia.

Trong công tác quản lý, rèn luyện học viên, học viên quân sự Lào và Campuchia được tổ chức biên chế mỗi khóa thành 1 lớp để duy trì các hoạt động học tập và rèn luyện. Các đơn vị có học viên quân sự Lào và Campuchia như Hệ Quốc tế, Hệ 1 Đào tạo sau đại học duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, chế độ quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và của Học viện đối với học viên quân sự nước ngoài.

Học viên quân sự Lào, Campuchia học tập tại Học viện Biên phòng đều có ý thức tự giác cao trong học tập, rèn luyện; tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, ý thức xây dựng đơn vị và chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Học viện. Kết quả tổng kết năm học hàng năm, cơ bản đều đạt loại khá và giỏi, rèn luyện đạt loại tốt; nhiều đồng chí được tặng giấy khen. Sau khi tốt nghiệp về nước nhận nhiệm vụ, học viên đã phát huy tốt kiến thức, vận dụng vào chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm, điều động giữ chức vụ và công tác tại các đơn vị bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới của Lào, Campuchia tiếp giáp với Việt Nam, có điều kiện làm việc, tiếp xúc cán bộ, chiến sĩ đơn vị BĐBP của Việt Nam, cùng quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới hai nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nhiều trường hợp sau một thời gian công tác, được lựa chọn, cử sang Học viện Biên phòng để đào tạo, tập huấn ở trình độ cao hơn. Có nhiều đồng chí đã phát triển lên cán bộ cấp cao trong Quân đội Hoàng gia Campuchia và QĐND Lào.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định quan hệ với các nước láng giềng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; trong đó với Lào và Campuchia có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt. Chính sách của Nhà nước về biên phòng được quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam cũng rất rõ ràng, đó là: “Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân”. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Học viện Biên phòng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo học viên quân sự Lào và Campuchia với những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh rà soát, xây dựng, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, tập huấn cho các đối tượng đào tạo là học viên quân sự Lào và Campuchia. Tập trung trang bị những kiến thức về chính trị, quân sự, pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành, võ thuật, thể lực theo hướng giảm tỉ lệ thời gian lên lớp lý thuyết, tăng tỉ lệ thời gian huấn luyện thực hành, đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học viên. Trên cơ sở đó nâng cấp, biên soạn, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của học viên quân sự Lào và Campuchia. Việc xây dựng, điều chỉnh nội dung, chương trình cần phù hợp với từng đối tượng đào tạo và tình hình thực tế của Học viện.

Hai là, các khoa giáo viên cần lựa chọn, bố trí giảng viên có trình độ, nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy; tích cực, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với học viên quân sự Lào và Campuchia, nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu cho học viên. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý học viên, cán bộ phụ trách lớp để giao, hướng dẫn nội dung tự học, tự nghiên cứu; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất nâng cấp, biên soạn giáo trình, tài liệu, tập bài giảng phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu đối với học viên quân sự Lào và Campuchia.

Ba là, các đơn vị quản lý học viên quân sự Lào và Campuchia cần thực hiện tốt công tác giáo dục, rèn luyện đối với học viên; duy trì nghiêm túc lễ tiết, tác phong quân nhân, chế độ học tập, công tác đối với học viên. Thực hiện sinh hoạt dân chủ, đối thoại theo định kỳ và đột xuất, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; hàng tuần, tháng có nhận xét đánh giá cụ thể đối với từng học viên, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định để quản lý, giáo dục và rèn luyện học viên hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể thao, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho học viên quân sự Lào và Campuchia.

Bốn là, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn đối với học viên quân sự Lào và Campuchia theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và điều kiện cụ thể của Học viện. Quan tâm đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, tập huấn, nghiên cứu cũng như nơi ăn, ở, sinh hoạt đối với học viên quân sự Lào và Campuchia. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa học viên 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia ngay tại Học viện.

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huệ, Khoa Biên phòng, Học viện Biên phòng

Bình luận

ZALO