Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 07:10 GMT+7

Hải quan ASEAN chung sức tạo thịnh vượng

Biên phòng - Người đứng đầu ngành hải quan các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cùng định hình các nỗ lực chung, hướng tới mục tiêu “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”, “Một ASEAN - Một bản sắc - Một tầm nhìn”.

Tàu container quốc tế tiến vào cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Thanh Trúc

Định hình nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu giai đoạn mới

Từ ngày 4 đến 6/6 sẽ diễn ra Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 (ADGCM - 33). Hội nghị do Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị ADGCM sau các năm 1995, 2004 và 2014. Tham dự hội nghị có khoảng 100 đại biểu quốc tế đến từ 10 đoàn hải quan các quốc gia thành viên ASEAN. Cùng với đó, Hải quan Timor Lester với vai trò quan sát viên và Ban Thư ký ASEAN, cùng các lãnh đạo cấp cao của cơ quan Hải quan các nước đối tác, tổ chức quốc tế và khối tư nhân.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, chương trình nghị sự của hội nghị tập trung vào các chương trình và giải pháp tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xác định tại Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị cũng tập trung vào một số nội dung ưu tiên như trao đổi chứng từ điện tử qua Một cửa ASEAN; triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); lộ trình triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN...

Hội nghị là diễn đàn để cộng đồng Hải quan ASEAN tăng cường đối thoại, tham vấn với các đối tác đối thoại của ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, như Hải quan xanh, xây dựng hệ sinh thái về dữ liệu hải quan, hiện đại hóa hải quan, trao đổi dữ liệu điện tử, quản lý hải quan đối với thương mại điện tử, đơn giản hóa thủ tục hải quan cho các lô hàng trị giá thấp...

Với vai trò chủ trì hội nghị quan trọng nhất của Hải quan ASEAN, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam, một cơ quan thành viên thuộc trụ cột cộng đồng kinh tế ASEAN, thực hiện đúng chủ trương chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN.

Trong vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành trách nhiệm trong việc tích cực điều phối, thúc đẩy các nước triển khai đúng tiến độ, lộ trình đã định với các nội dung ưu tiên về một cửa, quá cảnh và công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên; khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình thực tế triển khai, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hải quan thành viên. Hải quan Việt Nam tích cực điều phối, phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN trao đổi, tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp trong triển khai các sáng kiến hoạt động của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.

Nền tảng nội lực vững chắc toàn diện

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn, bao gồm các các văn kiện mang tính cột mốc như: Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN được các Tổng cục trưởng Hải quan ký kết năm 1983, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về thực hiện biểu thuế hài hòa hóa của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)...

Trung tâm logistics ITL ga Yên Viên, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Trúc

Hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế là một quá trình tất yếu, một xu thế chủ đạo trong bối cảnh hiện nay với trọng tâm là mở cửa kinh tế, tự do hóa thương mại, nhằm phát huy nguồn lực trong nước và tận dụng cơ hội bên ngoài. ASEAN hiện nằm trong những khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Bên cạnh đó, nhằm mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc).

Xuất phát điểm cho hội nhập kinh tế khu vực là quyết định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ IV vào năm 1992. Bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, các cam kết AFTA còn bao gồm cả việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan để đảm bảo lưu thông thương mại giữa các nước.

Trong đó, hài hòa thủ tục hải quan và thu hẹp khoảng cách về quản lý hải quan trong khu vực dựa trên những chuẩn mực của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) là một trong những mục tiêu quan trọng của ASEAN. Vấn đề hợp tác khu vực về hải quan được xác định đóng vai trò rất then chốt trong việc hỗ trợ xây dựng AFTA nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên ASEAN cũng như hiện thực hóa các mục tiêu hội nhập kinh tế dài hạn của ASEAN.

Năm 1995, Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN được điều chỉnh để phản ánh những diễn biến mới của ASEAN, đặc biệt là vấn đề AFTA. Thông qua Bộ quy tắc, các nước thành viên cam kết tạo thuận lợi cho thương mại nội khối bằng cách đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại và nâng cao hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan.

Song song với Bộ quy tắc ứng xử, Hiệp định Hải quan ASEAN được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất vào ngày 1/3/1997 nhằm tạo thuận lợi cho thương mại nội khối tiếp tục được mở rộng. Năm 2012, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về hợp tác hải quan trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện AEC, Hiệp định Hải quan ASEAN mới được tiến hành đàm phán và ký kết trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 16.

Nhằm quy định rõ việc cam kết thực hiện và kết nối với hệ thống một cửa của các quốc gia trong khu vực, Hiệp định về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN đã được ký năm 2005 tại Kuala Lampur, Malaysia. Hiệp định là nền tảng pháp lý và kỹ thuật để hải quan các nước thành viên trao đổi trực tiếp thông tin, chứng từ thương mại trong môi trường điện tử, đưa kết nối khu vực lên một tầm cao mới.

Cùng với đó, Nghị định thư về AHTN hướng đến tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan Hải quan ASEAN thực hiện thống nhất và tăng cường minh bạch về các vấn đề phân loại hàng hóa trong khu vực. Trong đó, Biểu thuế AHTN được rà soát theo danh mục của WCO và được các nước ASEAN ban hành, thực hiện thống nhất, trước đây theo chu kỳ 5 năm và từ năm 2024 sẽ là chu kỳ 6 năm.

Để tăng cường tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa lưu chuyển tự do hơn trong khu vực bằng việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục thông quan từ điểm đi, quá cảnh đến điểm đến được quản lý thông qua Hệ thống ACTS, Nghị định thư ACTS của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa quá cảnh là cơ sở pháp lý cho hợp tác hải quan ASEAN, được tạo lập thông qua việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác, thực hiện các sáng kiến và xây dựng các hệ thống quản lý chung, đã tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác hải quan khu vực trên nhiều lĩnh vực và hoạt động, đạt được kết quả thiết thực.

Giai đoạn phát triển mới với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào năm 2015 đã đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan hải quan các nước trong khu vực là phải đẩy nhanh công cuộc cải cách, hiện đại hóa, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt nhất, cũng như ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình nghiệp vụ và quản lý hải quan.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO