Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 06:56 GMT+7

Hàng trăm triệu trẻ em phải mưu sinh

Biên phòng - Trong thống kê được công bố gần đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, hiện có khoảng 160 triệu trẻ em trên khắp thế giới đang phải từ bỏ tuổi thơ của mình để làm các công việc mưu sinh. Trong đó, rất nhiều trẻ em phải bỏ học vì không đủ điều kiện đi học, phải đi làm xa gia đình, lao động chui ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các mỏ khai thác khoáng sản bất hợp pháp và đối diện với các mối nguy hiểm về bạo lực thể xác lẫn tinh thần.

Trẻ em làm công việc nặng nhọc tại thị trấn Kasulu của Tanzania, gần biên giới với Burundi. Ảnh: Getty Images

Kéo tụt thành quả

Theo ILO, trong giai đoạn 2000-2020, thế giới đã ghi nhận những bước tiến đáng kể trong việc giảm lao động trẻ em, nhưng sau đó, xu hướng này đã bị đảo ngược hoàn toàn. Nguyên nhân xuất phát từ xung đột, khủng hoảng, biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai và đại dịch Covid-19.

Theo giới quan sát, trong giai đoạn 2000-2016, các cam kết và nỗ lực quốc tế ngày càng cao đã giúp kéo giảm khoảng 94 triệu lao động trẻ em. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 gây ra những tác động tiêu cực cao gấp 4 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã kéo lùi những thành quả đạt được trong nỗ lực xóa bỏ vấn nạn lao động trẻ em.

Song hành với đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới có xu hướng lan rộng trong thời gian qua, cộng hưởng với việc nhiệt độ trái đất nóng lên đi kèm với các hiện tượng thời tiết cực đoan, rất nhiều gia đình nghèo lại càng khốn khó, buộc con trẻ trong nhà phải lao vào guồng mưu sinh nhọc nhằn hơn.

Phân tích số liệu của ILO cho thấy, trong 160 triệu trẻ em phải gồng mình lao động, có khoảng 63 triệu bé trai và hơn 97 triệu bé gái. Về khu vực địa lý, châu Phi là khu vực có số lượng lao động trẻ em cao nhất thế giới với khoảng 72 triệu trẻ, tương đương khoảng 20% số trẻ em trên toàn lục địa. Tiếp đó là khu vực châu Á - Thái Bình Dương (7%), châu Mỹ (5,3%), các quốc gia Arab (4,7%), châu Âu và Trung Á (2,9%)... Tính chung, cứ 10 lao động trẻ em trên toàn cầu thì có 9 trẻ ở châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Số liệu của ILO có những khác biệt khá lớn so với con số của các tổ chức thống kê uy tín khác. Điển hình như số liệu trên trang thống kê theworldcounts.com cho thấy, thế giới hiện có khoảng 218 triệu lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi. Đáng chú ý trong số đó, có 152 triệu trẻ em là nạn nhân của vấn nạn lao động trẻ em, gần 50% phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm hoặc bị bóc lột. Ở những nước nghèo nhất thế giới, số lao động trẻ em chiếm hơn 20%, trong khi ở các nước kém phát triển nhất, hơn 25% số trẻ phải làm các công việc được cho là có hại cho sức khỏe và sự phát triển.

Năm 2024, thế giới kỷ niệm 25 năm thông qua Công ước số 182 của ILO về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Năm 2025 là thời hạn phải đạt được mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức, theo chương trình nghị sự Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay cho thấy những nỗ lực hiện tại là chưa đủ. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển hết tiềm năng thể chất và tinh thần.

Hai nhóm nguyên nhân buộc trẻ em phải lao động

Theo ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO, những số liệu ước tính là lời cảnh tỉnh đối với mọi người, rằng không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em đang đứng trước tương lai đầy rủi ro. Từ thực tế này, ILO đã chọn chủ đề "Hãy hành động theo các cam kết của chúng ta: Chấm dứt lao động trẻ em!" cho Ngày thế giới chống lao động trẻ em năm 2024.

Theo giới chuyên gia quốc tế, có 2 nhóm nguyên nhân buộc trẻ em phải tham gia vào lực lượng lao động, gồm nguyên nhân bên trong (yếu tố gia đình) và nguyên nhân bên ngoài (tác động từ điều kiện kinh tế, xã hội). Cụ thể, nguyên nhân bên trong dễ thấy nhất là tình trạng đói nghèo và thất học. Trong khi đó, nguyên nhân bên ngoài là những tác động mạnh mẽ từ xung đột, chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Theo ước tính của ILO, đại dịch Covid-19 đã khiến thêm gần 9 triệu em phải lao động. Tương tự, biến đổi khí hậu gây bão, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng... làm mùa màng thất bát, khiến hàng triệu gia đình lâm vào cảnh đói nghèo, phải “tha phương cầu thực”, đồng nghĩa với việc trẻ em phải bỏ học, bước vào cuộc sống lao động cực khổ.

Riêng tại châu Phi, tổ chức nhân đạo Save the Children cho biết, tính đến cuối năm 2022, tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara có ít nhất 1,85 triệu trẻ em phải di cư do thảm họa khí hậu, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.

Thống kê của các tổ chức quốc tế cùng chỉ ra rằng, mỗi năm có tới 40 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học tập, trong đó, hàng triệu trẻ phải tìm miếng cơm manh áo lo cho gia đình. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố vào tháng 8/2021 cho biết, khủng hoảng khí hậu khiến khoảng 1,7 triệu trẻ em Bangladesh phải bỏ học, theo gia đình đi lao động kiếm thêm thu nhập.

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em diễn ra ở Nam Phi năm 2022, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định, không một nền văn minh nào, không một quốc gia nào và không một nền kinh tế nào có thể tự coi là đi đầu trong sự tiến bộ nếu sự thành công và giàu có được tạo dựng từ trẻ em.

Còn theo định nghĩa của ILO, lao động trẻ em là điều tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em, đồng thời là điều có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần con người.

Theo giới chuyên gia, việc phải lao động từ nhỏ là điều tước đoạt tương lai của trẻ em, bởi lao động trẻ em dẫn đến chu kỳ đói nghèo luẩn quẩn giữa các thế hệ. Từ đó, giới chuyên gia cùng chung lời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hợp sức thực hiện các cam kết đã đưa ra, nhấn mạnh việc phải ưu tiên đẩy mạnh tiếp cận giáo dục, tăng cường bảo trợ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo, chống biến đổi khí hậu... Đây cũng là cách tiếp cận căn bản nhất để giữ lại tuổi thơ của trẻ em, cũng như không bỏ lỡ mục tiêu xóa bỏ nạn lao động trẻ em vào năm 2025.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Lao động trẻ em là kẻ thù của sự phát triển của trẻ em và là kẻ thù của sự tiến bộ. Con số 160 triệu lao động trẻ em đồng nghĩa với 160 triệu nạn nhân bị cướp đoạt quyền được giáo dục và đe dọa tương lai của chính các em”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO