Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 06:05 GMT+7

Quê hương là kho tàng bao la nhất đối với người viết văn

Biên phòng - Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là nhà thơ dân tộc Dao. Anh vừa hoàn thành tập thơ thứ 3 có cái tên rất lạ “Yao”. Yao là tập thơ đặc sắc nói về bản sắc, tâm hồn người Dao. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh để hiểu thêm về cội nguồn cũng như văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao.

Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương. Ảnh: Nguyên Nhi

- Chào anh, cầm trên tay tập thơ anh vừa xuất bản, rất nhiều người tò mò về cái tên của của tập thơ này?

- Thực ra, Yao - tên tập thơ của tôi không phải là một cái tên bí ẩn hay mang tính đánh đố người đọc. Yao - mượn âm từ tiếng Hán (#ô#° – phiên âm: Pinyin (Yáo zú), nghĩa là Dao tộc). Trong tiếng Anh là Yao. Từ Yao cũng được cộng đồng người Dao Việt Nam ghi nhận như một cách viết tên tộc người mình.

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý từng nhận xét: “Làng Dao, con người Dao của Lương đã đi vào thơ với nét đẹp chân chất không lẫn được. Cái đẹp ẩn chứa những tầng văn hóa Dao nhiều đời và được truyền tải lưu giữ bền vững tới bây giờ”. Phải chăng, tình yêu tha thiết với dân tộc mình đã cho thơ anh vẻ đẹp ấy?

- Quê hương, bản quán là cái vốn truyền đời đầy ý nghĩa, cái kho tàng bao la nhất đối với những người viết văn. Tôi sinh ra dưới chân núi Bàn Mai, trong một ngôi làng 100% người Dao Quần chẹt thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tôi yêu làng của tôi, yêu cô bác, họ hàng, yêu người hàng xóm cách mấy chân đèo, yêu từng mảnh nương chân rẫy, yêu từng tiếng mõ trâu, tiếng nước về trên máng sau nhà... và cả đời này tôi xin tâm niệm: “Tôi xin làm con chim nhỏ làng tôi/ Cất giọng vang sâu xa rừng thẳm/ Ngực nóng từng lần thơm trước gió/ Mang khuôn làng rải khắp muôn nơi”... Tôi sẽ đem những giá trị văn hoá nhất của làng đến với thế giới như một nghĩa vụ, trách nhiệm.

- Trong tập thơ này, người đọc còn có cảm giác về một chút lưu lạc cô đơn nhưng bao trùm vẫn là khát vọng tình yêu thương của những con người “hiền từ như dòng nước mắt”, “không biết giận cái nhỏ/ không tham nghĩ cái lớn... Anh có thể lý giải thêm về điều này?

- Đó là thiên di, nó gợi đến cuộc sống trước đây của đồng bào các dân tộc quanh năm du canh du cư. Thiên di đồng nghĩa với lưu lạc bơ vơ, với cô đơn lầm lũi, với lam lũ đói nghèo. Tấm khảm văn hóa tộc người nơi thi tập “Yao”, theo đó, còn hằn in cả những dáng núi “còng như cái vung/ úp xuống lòng thung/ úp vào lưng nghiêng vai cong/ nền trời sâu hoăm hoắm”, những “phận người cỏ dại/ chao cõi ngày buồn như mặt đá/ ngủ trăm năm trên núi không người”, những “tiếng chuông nghẹn tay thầy tào áo đỏ”, những vành khăn tay em nhỏ “đội trăm năm lam chướng cõi này”... Cho dù thế nào đi chăng nữa, thì những con người nơi núi thẳm rừng thiêng vẫn không ngừng mơ mộng, vọng cố hương, và hướng thiện lành.

Tập thơ Yao của Đại úy, nhà thơ Lý Hữu Lương. Ảnh: Nguyên Nhi

- Đọc Yao, thì có thể thấy là phong tục, văn hóa của đồng bào miền núi nói chung và của đồng bào Dao nói riêng vẫn là một vùng đất còn nhiều điều mới lạ. Để đưa các giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với nhiều người, anh có những dự định gì trong các sáng tác tiếp theo?

- Mỗi tộc người có hệ giá trị tư tưởng, nhân sinh quan, bản sắc văn hóa đã hình thành, tích lũy qua hàng trăm năm, nghìn năm, đó là cách để họ sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, cách để giao đãi xóm làng, trong gia tộc... không thể lấy lăng kính và giá trị của tộc người này áp đặt cho tộc người kia, cũng như qua loa khái quát, cưỡi ngựa xem hoa là có thể viết được về một dân tộc. Đấy chính là lý do một số tác phẩm của một số tác giả người dân tộc do thiếu vốn từ diễn đạt, lười đọc, lười tìm hiểu, học hỏi các nền văn hóa khác dẫn đến những gì mình viết ra khô khan, không có bề sâu, bề rộng, ít được bạn đọc đón nhận.... Tóm lại, theo tôi, những tác phẩm viết về miền núi và dân tộc theo đúng nghĩa, trước tiên tác giả phải hiểu kỹ, phải “thuộc” những vấn đề mình cần viết, phải hòa mình được với văn hóa chung của dân tộc, câu nói “hòa nhập không hòa tan” vô cùng đúng trong nền văn học có tính đặc thù này. Nó cũng là một vấn đề mở ra đầy khó khăn, thách thức khi sáng tác đối với những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa là người dân tộc miền núi và đối với những người dân tộc Kinh viết về người dân tộc miền núi.

Đối với cá nhân tôi, mỗi cuốn sách ra đời như đánh dấu một giai đoạn, một quá trình nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và đúc kết để tiếp tục có những phát triển mới trong tư duy. Sau Yao, dự định của tôi sẽ là một bản trường ca về biên giới, về những người đồng bào, về những đồng chí, đồng đội của tôi đang sinh sống, chiến đấu nơi biên cương đất nước trong tâm thế, góc nhìn nhiều gợi mở hơn. Dù sao, biên giới đây cũng là một nơi tôi có nhiều gắn bó, dễ đồng cảm và sẻ chia.

- Vâng xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Nguyên Nhi (Thực hiện)

Bình luận

ZALO