Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 08:05 GMT+7

Hành trình gian nan gặt hái "quả ngọt" của quân nhân hiếm muộn

Biên phòng - Phải mất 15 năm kiên trì với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có những lúc tuyệt vọng đến mức muốn bỏ cuộc, Thiếu tá Nguyễn Văn Nhụy, nhân viên cơ yếu BĐBP Bình Định mới được tận hưởng sự ngọt ngào của tiếng khóc trẻ thơ trong chính tổ ấm của mình. Được làm cha ở tuổi 50 là niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh được đối với người quân nhân này khi nhìn lại hành trình gian nan đã trải qua.

Gia đình hạnh phúc của Thiếu tá Nguyễn Văn Nhụy. Ảnh: Tâm An

Đón con đầu lòng ở tuổi 50

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhụy quê ở Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Anh nhận công tác tại BĐBP Bình Định từ năm 1993. Vì nhiều lý do, đến năm 2006, ở tuổi 35, anh mới xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Thanh Tâm. Nhiều người lấy vợ rồi sinh con rất thuận lợi, còn anh là cả một hành trình gian nan với nhiều thử thách cả về tinh thần và kinh tế.

Lính Biên phòng vốn thường xuyên phải xa nhà, không có nhiều điều kiện gần gia đình, với anh Nhụy, do đặc thù công việc là nhân viên cơ yếu, thời gian dành cho vợ lại càng hạn hẹp hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến niềm mong mỏi có con của vợ chồng anh kéo dài theo năm tháng.

“Năm 2013, tôi được Bộ Chỉ huy tạo điều kiện chuyển công tác về gần gia đình. Vợ chồng tôi đã đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần, chúng tôi ăn ở cả tháng trời ở đó trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng và cả hy vọng. Liên tiếp nhận thất bại, vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy thương vợ mình hơn. Suốt thời gian đồng hành cùng nhau xây dựng hạnh phúc, có nhiều thời điểm, vợ chồng tôi buồn nản tới mức muốn bỏ cuộc” – Thiếu tá Nhụy tâm sự.

Sau nhiều lần chữa trị tại thành phố Hồ Chí Minh không thành công, vợ chồng anh Nhụy chuyển hướng ra Hà Nội. Anh kể: “Năm 2018, tôi bàn với vợ chuyển ra Hà Nội xem có hiệu quả không. Suốt 1 tháng ở đây, vợ chồng tôi rong ruổi ở nhiều bệnh viên, trung tâm hiếm muộn lớn. Đến tháng 7/2021, ở lần đặt phôi thứ 4, vợ chồng tôi mới có tin mừng. Thời gian chờ đợi nhận kết quả, tôi cảm giác thời gian trôi rất chậm và nặng nề. Một tuần sau khi chuyển phôi, vợ chồng tôi test nhanh thì có kết quả thụ thai. Hai vợ chồng mừng lắm, tôi ôm chặt vợ mình nhưng vẫn lo lắng, chỉ sợ tuột mất cơ hội này. Cảm xúc lúc đó khó tả lắm, vừa mừng, vừa lo lắng, căng thẳng. Tôi không dám thể hiện những điều đó ra mặt vì sợ ảnh hưởng đến vợ. Sau 4 tuần, vợ tôi làm xét nghiệm máu khẳng định chắc chắn có thai nhưng phải đến tuần thứ 8, khi siêu âm thấy có tim thai, vợ chồng tôi mới chắc chắn 100%. Hai vợ chồng tôi giữ gìn, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa vậy”.

Niềm vui của anh Nhụy được nhân đôi, bào thai trong bụng vợ anh là thai đôi, 1 trai, 1 gái. Sau 9 tháng, vợ anh Nhụy đã hạ sinh an toàn bé gái nặng 2,3kg và bé trai 2,7kg. Ở tuổi 50, anh Nhụy mới được nghe tiếng khóc trẻ thơ trong tổ ấm của mình, vợ anh khi đó 45 tuổi. “Lúc đó, nước mắt hai vợ chồng tôi cứ thế tuôn rơi trong niềm hạnh phúc vô bờ” – anh Nhụy chia sẻ.

Đến bây giờ, hai con của anh Nhụy đã 2 tuổi. Cả hai bé đều khỏe mạnh, xinh xắn, nhanh nhẹn và rất đáng yêu. Nhìn lại hành trình đã qua, anh Nhụy bảo rằng, hạnh phúc của vợ chồng anh có sự chia sẻ, giúp đỡ của đồng đội, chỉ huy đơn vị trực tiếp và cao hơn nữa là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP. Anh Nhụy chia sẻ: “Tôi được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho chuyển công tác về gần nhà, thường xuyên động viên tôi. Anh em đồng đội cũng tạo điều kiện cho tôi về mặt thời gian để đi chữa bệnh. Điều đó giúp cho tôi thoải mái tinh thần hơn, không còn phải lo lắng về công việc mỗi khi đi chữa bệnh nữa. Khi chúng tôi ra Hà Nội chữa bệnh, vợ chồng tôi được Bộ Tư lệnh BĐBP tạo điều kiện chỗ nghỉ thuận lợi. Tôi còn được Bộ Tư lệnh BĐBP hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Những điều đó tạo động lực tinh thần rất lớn cho vợ chồng tôi đi một chặng đường dài đến như vậy”.

Với "quả ngọt" đã gặt hái được, anh Nhụy đã truyền cảm hứng cho những đồng đội khác cùng có hoàn cảnh giống như anh. “Trong đơn vị có một số đồng chí thuộc diện hiếm muộn. Các đồng chí đó có thuận lợi là trẻ tuổi hơn tôi nên cơ hội sẽ nhiều hơn. Tôi thường chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình chữa trị cũng như động viên anh em nỗ lực, kiên trì. Kết quả chữa trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng còn có hy vọng thì mình phải cố gắng nắm bắt” – anh Nhụy chia sẻ.

Hai con sinh đôi của Thiếu tá Nguyễn Văn Nhụy hiện giờ đã đi học mầm non. Ảnh: Thanh Tâm

“Quả ngọt” từ chủ trương nhân văn

Không chỉ anh Nhụy, thực hiện chủ trương nhân văn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về hỗ trợ quân nhân hiếm muộn, những năm qua, các đơn vị trong BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm quân nhân hiếm muộn đi chữa trị. Theo đó, quân nhân thuộc diện hiếm muộn, vô sinh được tạo điều kiện chuyển công tác về gần gia đình cũng như thời gian cho quân nhân đi khám, điều trị hiếm muộn tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ kinh phí cho nhiều quân nhân chi trả các khoản viện phí, thuốc điều trị hiếm muộn... Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chủ động xây dựng chương trình phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) hỗ trợ quân nhân của BĐBP trong quá trình điều trị hiếm muộn, vô sinh.

Đại tá Trần Công Trường, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Ủy viên Thường trực Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng đánh giá: “BĐBP là đơn vị đầu tiên trong toàn quân đưa vấn đề quan tâm, hỗ trợ người hiếm muộn, vô sinh thành chủ trương, chính sách trong BĐBP. Cũng chính từ kinh nghiệm của BĐBP, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai một số chính sách hỗ trợ đối tượng này. Hiện nay, ngoài việc triển khai theo Nghị định 76/2016/NĐ-CP, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng có chủ trương, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ đồng bộ khác như luân chuyển công tác; hợp lý hóa gia đình đối với đối tượng hiếm muộn, tạo điều kiện về thời gian, giải quyết phép, tranh thủ, phép đặc biệt, tạo điều kiện về nơi ăn, nghỉ khi về điều trị tại Hà Nội”.

Chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 3/2023, có 332 cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn, vô sinh trong BĐBP được tạo mọi điều kiện thuận lợi để đi điều trị tại các cơ sở y tế. Kết quả, trong số này, 70 cặp đã sinh con (36 bé trai và 34 bé gái); 15 cặp vợ chồng đang mang thai. 79 cặp được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO