Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:50 GMT+7

Hành trình “ngược” truy bắt những kẻ buôn người

Biên phòng - Các đối tượng “truyền tay” bán Nguyễn Mai Phương luôn tin rằng, không ai có thể phát hiện được hành vi phạm tội của mình vì đã giấu biệt về nhân thân, lai lịch và các giao dịch gần như đều thực hiện thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, các trinh sát BĐBP đã phối hợp với lực lượng chức năng “đi ngược hành trình” để truy xét, bắt giữ những kẻ buôn người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4 đối tượng Đạt, Giáp, Hoàng, Liễu tham gia mua bán Nguyễn Mai Phương. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đầu giờ chiều ngày 26/6/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An nhận được tin báo của quần chúng về việc có một chiếc xe ô tô hiệu Honda Civic, biển kiểm soát 60A-073.61 đi vào khu vực biên giới thuộc ấp 4 xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Khi cách đường biên giới khoảng 400m, một đôi nam nữ xuống xe, có nhiều biểu hiện xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây đã điều Tổ tuần tra của đơn vị nhanh chóng cơ động đến hiện trường.

Qua kiểm tra hành chính, danh tính 2 người nhanh chóng được làm rõ, gồm: Trương Việt Hoàng (sinh năm 1998, trú tại tổ 12, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) và Nguyễn Mai Phương (sinh năm 2005, trú tại huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh). Người đàn ông khai rằng, cả hai muốn sang Campuchia chơi, nhưng vì không có hộ chiếu nên có ý định xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, sau một hồi quanh co, Trương Việt Hoàng đã phải khai nhận mình và đồng bọn đang thực hiện kế hoạch bán Nguyễn Mai Phương sang Campuchia.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Biên phòng đã “triệu hồi” được 2 đối tượng trên xe ô tô biển kiểm soát 60A-073.61 là Lâm Quốc Đạt (sinh năm 2004, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) và Trương Công Trứ (sinh năm 1998, trú tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, vụ việc dần được làm sáng tỏ. Theo đó, Trần Công Trứ khai nhận, trước đó có quen một người tên Trần Văn Sáu (sinh năm 1995, trú tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm chủ cơ sở massage).

Ngày 23/6, Sáu gọi cho Trứ bảo đi cơ sở massage Love tại Bến Tre và mua Nguyễn Mai Phương với giá 19 triệu đồng rồi đưa về Đồng Nai. Tuy nhiên, do Phương không chịu làm việc nên đến ngày 25/6, Sáu yêu cầu Trứ tìm người mua để bán thu hồi vốn. Trứ đã liên hệ với Lâm Quốc Đạt, sau đó tìm được Trương Việt Hoàng mua Phương với giá 18 triệu đồng (nhưng Trứ và Đạt báo lại với Trần Văn Sáu chỉ được 15 triệu đồng, số tiền chênh lệch cả hai dự định chia nhau). Trần Văn Sáu chấp nhận và giao Phương cho Trương Việt Hoàng, Lâm Quốc Đạt, Trần Công Trứ đưa đi bán.

Còn Trương Việt Hoàng khai: Ngày 25/6/2023, qua điện thoại, Lâm Quốc Đạt liên hệ nói cần bán Nguyễn Mai Phương và đề nghị Hoàng tìm người mua để bán sang Campuchia. Hoàng đồng ý và đưa ảnh Phương vào nhóm Người Việt ở Campuchia “chào hàng”. Sau đó, một người đã liên hệ với Hoàng, thống nhất nếu đưa được Phương sang Campuchia, sẽ trả giá 1.300 USD.

Nghe Hoàng nói, Đạt đồng ý, nói lại với Trứ và “chốt lại” với Sáu. Ngày 26/6, Đạt dùng xe ô tô chở theo Phương và Trứ lên thành phố Hồ Chí Minh đón Hoàng rồi điều khiển phương tiện đi về khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây. Lời khai của Lâm Quốc Đạt cũng trùng khớp với lời khai của Trương Việt Hoàng và Trần Công Trứ.

3 đối tượng Mai, Sáu, Trứ trong đường dây mua bán người. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Qua diễn biến và kết quả ban đầu đã cho thấy rõ dấu hiệu của hoạt động mua bán người, để chủ động điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An xác lập Chuyên án mang bí số LA623, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP), Công an tỉnh Long An và các đơn vị khác có liên quan để đấu tranh truy xét, bắt giữ các đối tượng. Cứ thế, lực lượng đánh án như chạy đua với thời gian, đi ngược lại hành trình lưu lạc của Nguyễn Mai Phương để tìm ra những kẻ buôn người. Kết quả, từ ngày 26/6 đến ngày 20/7, lực lượng chức năng đã bắt giữ thêm được 7 đối tượng có liên quan khác.

Theo Thượng tá Mai Hồng Thanh, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Long An - Phó Trưởng ban chuyên án LA623, nạn nhân vốn là trẻ mồ côi, sau đó được một gia đình ở huyện Nhà Bè nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, từ năm 12 tuổi, Phương nhiều lần bỏ nhà sống lang thang. Phương rất mê games, trí óc không được minh mẫn, khi Lâm Quốc Đạt hứa hẹn “đưa sang Campuchia lấy chồng, mua cho điện thoại, không phải làm việc gì”, Phương liền đồng ý vượt biên trái phép sang Campuchia, nên việc khai thác thông tin gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các đối tượng mua, bán Phương đa số chỉ biết trên mạng xã hội, bởi vậy, việc truy tìm nhiều lúc như mò kim đáy bể. Đối tượng Trần Văn Sáu sau khi không thể liên lạc với Trứ và Đạt đã “linh cảm” điều chẳng lành nên di chuyển khỏi chỗ ở để nghe ngóng tình hình.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, dù chỉ có thông tin ít ỏi từ Trứ và Đạt, các trinh sát đã bắt được Trần Văn Sáu và Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1998, trú tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, là người yêu của Sáu, cũng là đối tượng giúp sức tích cực trong việc bán Phương). Từ nick zalo, Ban Chuyên án tiếp tục bắt được đối tượng Võ Thúy Liễu (sinh năm 1989, trú tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, là chủ cơ sở massage tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, người bán Phương cho Trần Văn Sáu), rồi lần tìm ra Trần Văn Giáp (sinh năm 1986, trú tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, dù khi bán Phương cho Liễu, Giáp “giao dịch” tại quán cà phê cách xa nơi mình ở)...

“Chuyên án LA623 gồm nhiều đối tượng liên quan đến nhiều tỉnh, thành, chủ yếu ở khu vực nội địa đã gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, chúng tôi đã nỗ lực, phối hợp với lực lượng chức năng lần lượt bắt giữ các đối tượng đã mua bán Nguyễn Mai Phương. Những việc làm trên thể hiện bản lĩnh, quyết tâm, tinh thần đấu tranh với tội phạm của lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Long An” - Thượng tá Mai Hồng Thanh khẳng định.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO