Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 05:00 GMT+7

Hành trình ra Côn Đảo

Biên phòng - Nhắc tới Côn Đảo, người ta nghĩ tới "Địa ngục trần gian", tới sự tra tấn dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với các tù nhân, sự hy sinh của hơn 20 ngàn chiến sĩ cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau 40 năm giải phóng, Côn Đảo hôm nay đang phát triển, trở thành một khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cách mạng đặc biệt của Việt Nam.

12t-1.JPG
Các du khách đến thăm trại tù Phú Tường. Ảnh: Nguyễn Trọng Phương
 
Tri ân các liệt sĩ

Sau 2 lần lên máy bay, Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có mặt tại Côn Đảo lúc 10 giờ 30 phút. Lần đầu tiên đến hòn đảo huyền thoại và linh thiêng này, tôi rất tò mò và nghe hướng dẫn viên kể về những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu với quân thù trên đảo này. Đoàn công tác đến thăm và thắp hương tại An Sơn Miếu - Côn Đảo, một di tích lịch sử.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các đồ lễ, đúng 0 giờ, chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Hàng Dương thắp hương trên mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, đó là lúc đất trời giao hòa, là sự hòa quyện thông linh giữa người đang sống và người đã khuất. Thắp hương vào giờ đó ở mộ chị Võ Thị Sáu như một điều linh thiêng được truyền từ năm này qua năm khác.

Khu nghĩa trang rộng 20ha chia thành thành 4 khu A, B, C, D với gần 2.000 ngôi mộ được qui tập lại sau giải phóng nằm dưới những tán cây bàng, phi lao cổ thụ... Gần đến ngày 27 tháng 7 nên nghĩa trang rất đông người từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về thắp hương. Mặc dù đông người là thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy sự lạnh lẽo của một vùng "địa ngục" năm xưa. Những ánh đèn chạy bằng pin mặt trời sáng xanh nhạt trong đêm, những nén hương cháy mờ tỏ bên những nấm mộ và những bó hương rực sáng trên mộ chị Võ Thị Sáu... tạo ra cảm giác vừa bi thương oan khuất, vừa dữ dội linh thiêng.

Không ai bảo ai chúng tôi thắp hương xong đều đứng thành hàng xung quanh ngôi mộ và cất lên tiếng hát nhè nhẹ trong đêm khuya "Mùa hoa lê-ki-ma nở. Ở quê ta miền đất đỏ. Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng. Đã chết cho mùa... hoa lê-ki-ma nở. Đời sau vẫn còn nhắc nhở. Sông núi đất nước ơn người anh hùng. Đã chết cho đời sau...".

Tôi nghe đâu đây có tiếng nấc nghẹn ngào mà trong lòng trào lên cảm xúc rưng rưng, trên đầu tiếng gió bắt đầu nổi lên rít từng cơn - ai oán! Ai đến đây cũng cảm nhận được sự hy sinh to lớn của những người cộng sản. Và thật khó có thể quên đi những con người mà tuổi tên của họ đã hòa vào tên đất nước, dù thời gian có mãi trôi.

Huyền thoại "Địa ngục trần gian"

Sẽ rất khó để có thể đi hết 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng bò mà bọn thực dân, đế quốc đã dựng lên ở Côn Đảo trong suốt 113 năm (1862-1975). Côn Đảo đau thương dưới ách xâm lược với hơn 20 ngàn anh linh chiến sĩ cách mạng vùi sâu trong lòng đất, chỉ cần đến một trong số các vị trí đó, đã thấm thía đầy đủ cái gọi là "địa ngục trần gian".

Hiện nay, các địa danh được triển khai du lịch lịch sử phổ biến nhất ở Côn Đảo có thể kể đến là trại tù Phú Sơn - nơi giam nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, cầu tàu lịch sử 914 (số 914 được đặt tên cho cây cầu là do những người tù còn sống đã nhẩm tính được từng đó người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng cầu), là nơi tiếp nhận tù chính trị bị lưu đày ra Côn Đảo.

Trong những phòng giam này, người tù phải nằm chen chúc chồng lên nhau dưới nền xi măng ẩm thấp. Chúng tra tấn dã man bằng cách dùng sào nhọn chọc từ trên xuống rồi rắc vôi bột lên cơ thể tù nhân. Cái lạnh thấu xương cộng với sự hôi hám, dơ bẩn của nhà tù khiến hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và người yêu nước bỏ mạng tại đây.

Ngoài hệ thống "chuồng cọp" kiểu Pháp và Mỹ, Côn Đảo còn là nơi nổi tiếng tra tấn tù nhân với tên gọi "chuồng bò". Thực chất đây là hầm có độ sâu khoảng 3 mét, chứa đầy phân và nước rửa chuồng bò. Tại đây, những người tù cộng sản bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dìm, ngâm trong phân bò cho đến chết.

Côn Đảo đang đà phát triển

Cảm nhận của tôi khi từ sân bay Cỏ Ống vào trung tâm đảo là môi trường trong lành, sạch, xanh, con người thân thiện, hiếu khách... Diện mạo của một hòn đảo đầy tiềm năng cho du lịch đang phát triển, đây là nơi không chỉ ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mà còn lưu giữ những tài liệu lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam.

Trong buổi làm việc với đoàn, đồng chí Châu Anh Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Côn Đảo là đơn vị chỉ có một cấp hành chính, có 10 khu dân cư. Mỗi khu có các chi bộ khu dân cư trực thuộc Huyện ủy. Người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ biển đảo, có truyền thống, ý chí cách mạng, bảo vệ và tôn tạo khu di tích lịch sử. Huyện Côn Đảo là một quần đảo gồn 16 hòn đảo, trong đó, dân cư tập trung ở đảo lớn Côn Sơn, diện tích 52km2, dân số khoảng 7.000 người, cách TP Hồ Chí Minh 230km.

Nối liền với đất liền về đường biển có 2 tàu khách, thời gian hành trình một chiều mất 12-14 giờ, về đường không có 2 chuyến từ TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo và ngược lại... vì vậy, lưu thông hàng hóa còn hạn chế. Địa bàn tuy nhỏ, nhưng Côn Đảo có cầu cảng, sân bay, có trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... 6 tháng đầu năm 2015, Côn Đảo đón 69.498 lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm đảo, tổng doanh thu dịch vụ-du lịch đạt 744,2 tỷ đồng, ngoài ra, giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thực hiện được 88,9 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Đồn trưởng Đồn BP Côn Đảo, chia sẻ: Với vị trí là "cửa ngõ" trên biển, gần đường giao thông quốc tế trên biển, vấn đề an ninh, quốc phòng rất quan trọng được chính quyền quan tâm. Đồn BP Côn Đảo đã thực hiện tốt chương trình phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ biển, đảo, rừng và các khu di tích lịch sử… giữ gìn an ninh trật tự trên đảo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về quản lý người nước ngoài, giao thông đường thủy nội địa.

Đồng thời cùng với chính quyền, nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đơn vị đã xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên đảo.

Để xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cách mạng đặc biệt của Việt Nam và phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo, chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo đang tập trung nỗ lực phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, đoàn kết, tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế theo hướng: Du lịch - Dịch vụ - Công nghiệp.

Và trong một tương lai gần, Côn Đảo sẽ trở thành Khu kinh tế du lịch và dịch vụ hiện đại, tầm cỡ khu vực và quốc tế, xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất huyền thoại và linh thiêng này.
Nguyễn Trọng Phương

Bình luận

ZALO