Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 01:36 GMT+7

Hành trình triệt phá đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển vũ khí trái phép

Biên phòng - Hơn 100 trinh sát Biên phòng, Công an được huy động tham gia vây bắt các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán và vận chuyển vũ khí trái phép. Thắng lợi của Chuyên án A723, đó là bắt giữ thành công các đối tượng có súng nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị cho lực lượng đánh án.

Đối tượng Nguyễn Thành Đông và công cụ, phương tiện, linh phụ kiện để sản xuất súng. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Thời gian qua, trên địa bàn biên giới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động các loại tội phạm diễn biến phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm. Qua nắm bắt thông tin, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã nắm được những thông tin quan trọng về một đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển vũ khí trái phép. Các đối tượng hoạt động tinh vi, phức tạp và số lượng súng được giao dịch không hề nhỏ.

Từ những thông tin, tài liệu thu thập được, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm xác lập Chuyên án mang bí số A723 để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, mua bán và vận chuyển vũ khí trái phép trên địa bàn biên giới. Qua 2 tháng triển khai, Ban chuyên án đã từng bước xác định được vai trò, vị trí của từng đối tượng. Do quy mô, tính chất của đường dây tội phạm phức tạp, địa bàn rộng (có cả biên giới và nội địa), để đảm bảo thành công, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm chủ trì, phối hợp với Cục C02, Bộ Công an; Bộ chỉ huy BĐBP và Công an các tỉnh: Kiên Giang, Bình Thuận, Gia Lai và Kon Tum tổ chức triển khai kế hoạch phá án.

Mọi công tác được lên kế hoạch cụ thể, cẩn trọng, bởi: “Các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển sẽ thường trực có súng bên người và rất manh động. Bởi vậy, Bộ Tư lệnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người” - Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo các đơn vị tham gia đánh án chia sẻ.

Ngày 15/9/2023, các trinh sát nhận được thông tin xuất hiện tình huống nghiệp vụ, các đối tượng trong đường dây chuẩn bị giao dịch súng với số lượng lớn. Đồng chí Trưởng ban chuyên án phát lệnh, các tổ nhanh chóng triển khai đồng loạt lực lượng tại các địa điểm đã được xác định trước đó. Vào lúc 8 giờ 10 phút, ngày 17/9, tại Kiên Giang, lực lượng đánh án bắt 3 đối tượng: Nguyễn Hồ Ngọc Vinh (sinh năm 1990), Lê Hoàng Đô (sinh năm 1997) và Phạm Thành Hậu (sinh năm 1996), cùng trú tại Kiên Giang.

Sau đó 20 phút, lực lượng đánh án tại Kon Tum cũng bắt 2 đối tượng: Tạ Hùng Cường (sinh năm 1990) và Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1994). Vào lúc 12 giờ 30 phút, các trinh sát BĐBP và Công an đã tập kích vào nơi ở, khống chế, bắt giữ đối tượng Nguyễn Thành Đông, sinh năm 1987, trú tại Bình Thuận. Tổng kết cả 3 địa điểm, lực lượng đánh án đã bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ 14 khẩu súng, 310 viên đạn, cùng nhiều công cụ, phương tiện, linh phụ kiện để chế tạo súng. Các đối tượng được di lí về Kiên Giang để điều tra.

Tang vật súng, đạn, dao và ma túy thu giữ tại nhà của Tạ Hùng Cường. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Qua lời khai của các đối tượng, nhiều vấn đề dần được làm sáng tỏ. Theo đó, Nguyễn Thành Đông là người “khởi xướng” đầu tiên. Trước đó, qua mạng xã hội, Đông quen một đối tượng ở Thái Nguyên, được hướng dẫn cách chế tạo các bộ phận của súng và bán cho y một số linh kiện để lắp hoàn chỉnh một khẩu súng có thể bắn đạn thể thao hoặc đạn chì nhưng có tính sát thương cao.

Những lần lang thang trên mạng xã hội, vào các hội nhóm kín, Đông biết rằng, nhiều đối tượng có nhu cầu sở hữu súng, thế nên đã bàn bạc với Nguyễn Hồ Ngọc Vinh để sản xuất súng và bán kiếm lời. Vinh có nhiệm vụ tìm kiếm đơn hàng qua mạng xã hội, còn Đông chịu trách nhiệm gia công, sản xuất súng. Khi Vinh báo có đơn hàng, Đông sẽ gói súng (theo dạng linh kiện tháo rời), rồi chuyển theo đường bưu điện hoặc xe khách cho Vinh nhận và lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh để giao cho khách. Mỗi khẩu súng Rulo, Sky, các đối tượng bán với giá khoảng 10 triệu đồng.

Các đối tượng cho biết, khi khách có nhu cầu mua súng quân dụng K59, K54 thì các đối tượng cũng sẽ tìm nguồn hàng nhưng giá đắt hơn khoảng 60-70 triệu đồng mỗi khẩu. Các giao dịch đều thông qua điện thoại, mạng xã hội. Nhận được “đơn hàng”, các đối tượng đóng gói lại, ghi số điện thoại người nhận rồi gửi xe khách đến địa chỉ người nhận. Các đối tượng khai nhận, từ tháng 3/2023 đến tháng 9/2023, chúng đã sản xuất và tiêu thụ gần 50 khẩu súng các loại. Các đối tượng Tạ Hùng Cường, Nguyễn Văn Trung, Lê Hoàng Đô và Phạm Thành Hậu đã mua 3 khẩu súng của nhóm Nguyễn Hồ Ngọc Vinh.

Thực tế cho thấy, lực lượng đánh án đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, bởi các đối tượng sinh sống ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Đặc biệt, việc bắt giữ các đối tượng sở sữu vũ khí có tính sát thương cao không hề đơn giản. Mọi việc phải tính toán hết sức cẩn trọng, không cho phép sai số. Một trinh sát của Đội Đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum tham gia đánh án cho biết, Tạ Hùng Cường và Nguyễn Văn Trung nổi tiếng là dân "số má" ở huyện Đak Tô trong việc bảo kê, dẫn dắt hoạt động mại dâm.

Hai đối tượng này thường sử dụng ma túy, lấy đêm làm ngày nên rất manh động, liều lĩnh. Căn nhà các đối tượng ở nằm giữa khu đất trống, gây khó khăn cho lực lượng trinh sát theo dõi, tổ chức áp sát để đánh bắt. Thế nhưng, các trinh sát BĐBP và Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai lực lượng, bất ngờ khống chế Tạ Hùng Cường và Nguyễn Văn Trung. Khám xét nơi ở của Cường và Trung, các trinh sát thu giữ được 2 khẩu súng, 35 viên đạn trong hộp, 6 viên lắp sẵn trong ổ đạn và 2 túi tinh thể màu trắng (các đối tượng khai nhận là ma túy để sử dụng).

Đánh giá về kết quả bước đầu của Chuyên án A723, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh cho biết: “Đây là chuyên án đặc biệt, đấu tranh với đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế với số lượng lớn ở địa bàn có tính chất phức tạp về an ninh chính trị trong thời gian qua. Việc sản xuất, mua bán và vận chuyển trái phép vũ khí của các đối tượng vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo lời khai, các đối tượng đã sản xuất được 50 khẩu súng các loại, ngoài số đã bị thu giữ, một số đã được bán cho các đối tượng khác ở địa bàn trong nước. Do đó, Cục chỉ đạo BĐBP Kiên Giang hoàn thiện hồ sơ, khởi tố vụ án, đồng thời, tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan”.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO