Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Hệ thống Roem sẽ đánh dấu bước “nhảy vọt” của pháo binh

Biên phòng - Trong những ngày gần đây, hệ thống pháo Roem của Israel có khả năng khai hỏa tự động đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong lĩnh vực khoa học quân sự. Đặc biệt, loại pháo tối tân này được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trên chiến trường.

Hệ thống Roem với khả năng khai hỏa tự động hóa. Ảnh: ELBIT

Bình luận về những ấn tượng quan trọng, truyền thông quốc tế cho biết, Roem tăng đáng kể tốc độ bắn, tấn công chính xác mục tiêu ở tầm xa hơn so với loại pháo đang được lực lượng vũ trang Israel sử dụng. Roem cũng được đánh giá là lợi hại hơn khi có khả năng cơ động cao trên chiến trường, có thể di chuyển độc lập và nhanh chóng.

Theo thông tin được công bố của lực lượng phòng vệ Israel (IDF), hệ thống Roem là một khẩu pháo lớn được đặt trên xe có bánh lốp, trái ngược với các loại pháo hiện hành của Israel như pháo M109 trên xe có bánh xích.

Loại pháo tối tân này vẫn sử dụng đạn có cùng cỡ nòng với các loại pháo hiện hành. Sự khác biệt ở khoản đầu tư lớn vào các công nghệ mới giúp nâng cao năng lực tác chiến của pháo. Đặc biệt là yếu tố tự động hóa, khác biệt so với các hệ thống trước đây do binh lính thực hiện thủ công, nhất là nạp đạn pháo, vốn được thực hiện trong cả trăm năm qua.

Chuẩn tướng Yair Natans - Tổng tư lệnh Pháo binh Israel ca ngợi hệ thống Roem mang lại những khả năng mới cho phép lực lượng pháo binh phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng mặt đất. Hệ thống Roem cũng sẽ thay đổi cách sử dụng pháo binh. Tướng Natans nhấn mạnh, lực lượng vũ trang Israel đã đạt một bước tiến quan trọng, hướng tới việc bổ sung Roem vào khả năng hỏa lực đa dạng mà các chỉ huy quân đoàn sử dụng để hỗ trợ các lực lượng cơ động.

Còn theo giải thích của Thiếu tá Franz - người đứng đầu một đơn vị pháo binh của IDF, về cơ bản, hệ thống Roem gồm một khẩu pháo lớn đặt trên khung gầm xe tải có bánh lốp lớn, nhưng nhẹ hơn, cho phép cơ động nhanh hơn và linh hoạt.

Chi tiết hơn, Thiếu tá Franz cho biết, người lái ngồi ở phía trước xe tải, khẩu pháo tự động ở phía sau có thể xoay các hướng. Cùng với đó, có 3 kíp thủ ngồi trong cabin xe tải và khai hỏa được thực hiện tự động. Điều này khác với kíp thủ của hệ thống pháo M109 vốn cần nhiều người vận hành pháo, nạp đạn thủ công bằng tay... Yếu tố khiến Roem có được nhiều kỳ vọng thể hiện ở việc khẩu pháo mới nhanh hơn vì nó được tự động hóa. Roem có thể bắn 8 quả đạn 155mm mỗi phút. Tốc độ này nhanh gấp đôi tốc độ của pháo M109.

Theo thông tin từ truyền thông Israel, hệ thống Roem thế hệ mới đã được triển khai hoạt động lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua và sẽ được gia nhập biên chế trong một đơn vị của IDF vào năm 2025.

Ra mắt Roem, IDF đã đưa ra phiên bản đầu tiên để thử nghiệm khả năng vận hành thực tiễn. Theo video được IDF công bố, hệ thống pháo Roem được các xạ thủ IDF thực hiện khai hỏa lần đầu tiên với tính năng tự động. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong việc lần đầu tiên trên thế giới, một khẩu pháo có khả năng bắn tự động.

Pháo Roem mới được phát triển bởi Elbit Systems. Dẫn đầu bởi Bộ Quốc phòng và nhà sản xuất quốc phòng Elbit, khẩu pháo mới của Israel được coi là một trong những dự án an ninh hàng đầu của Israel.

Truyền thông quốc tế dẫn lời bình luận của các chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí cho biết, hệ thống Roem là hiện thân cho nỗ lực bền bỉ của Israel trong nhiều năm qua, hiện thực hóa mục tiêu triển khai một loại pháo binh tối tân có thể biến IDF thành một lực lượng chiến đấu vượt trội. Dự án Roem có từ nhiều thập kỷ trước khi ý tưởng đầu tiên đến với IDF để chế tạo một khẩu pháo mới.

Đến nay, với các cuộc bắn thử nghiệm cho kết quả rất khả quan, hệ thống Roem dường như chắc chắn sẽ trở thành khí tài tối tân hiện diện trên chiến trường. Hệ thống pháo tự động Roem đi vào thực chiến đạt kết quả cao sẽ khẳng định cho một bước “nhảy vọt” trong nỗ lực chuyển đổi công nghệ pháo binh, không chỉ của quân đội Israel mà còn hứa hẹn sẽ thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO