Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:46 GMT+7

Hiểm nguy nghề câu mực giữa trùng khơi

Biên phòng - Vụ việc 2 tàu làm nghề câu mực của ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị chìm trong cơn lốc tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã khiến cho ngư dân làng chài đứng ngồi không yên. Và tới lúc đó thì những người đàn ông ở làng chài mới “hé lộ” về những khoảnh khắc khi ra khơi câu mực - nghề nguy hiểm nhất so với các nghề khác của ngư dân khi làm ăn trên biển.

Sau lần lâm bệnh nặng khi đánh bắt ở quần đảo Trường Sa, ông Dũng phải chia tay nghề biển. Ảnh: Văn Chương

Bí mật của dân câu

Xã Tam Quang và Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nằm ngay ngã 3 sông Chợ Lớn, Đầm Dơi và Bồ Đề. Gia đình cựu chiến binh Đỗ Hồng Dũng nằm trên rẻo đất ở gần ngã 3 sông. Buổi chiều 19/10/2023, ông Dũng cũng như nhiều người dân ở làng chài nghe như có làn gió ràn rạt lan khắp không gian. Đối diện nhà của ông là nhà của ngư dân Đỗ Văn Hải - một trong 15 nạn nhân trong vụ tai nạn ở quần đảo Trường Sa.

Ông Dũng từng là lính Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1979 đến năm 1989. Sau giải ngũ, trở về với làng quê ở ngã 3 sông, ông Dũng hòa vào nhịp sống ở làng chài Tam Giang, đan thúng, xuống ghe đi câu mực khơi ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân đi biển không chỉ nghĩ tới con mực và đồng tiền kiếm được sau mỗi phiên biển mà còn đau đáu với nghề và vùng biển chủ quyền của cha ông bao đời nay.

Nói về vụ 15 ngư dân chết và mất tích trên biển, ông Dũng kể về cuộc đời mình và các ngư dân đi câu mực khơi: “Càng lùi về thời gian trước thì càng khét lẹt”. Nghề câu mực là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề đánh bắt trên đại dương bao la. Chủ tàu đổ đầy nhiên liệu, sau đó kêu gọi anh em bạn chài kéo thúng xuống để ra khơi đi câu, tiền bán mực của mỗi cá nhân sẽ chia lại phần trăm cho thuyền trưởng.

Những năm đầu tiên đi câu mực, do tàu có thân vỏ chỉ dài chừng 19 đến 21 mét, vì vậy 15-20 ngư dân đi trên tàu mang theo chiếc thúng có đường kính rộng chừng 3 mét. Buổi chiều hôm, "tàu mẹ" thả các "thúng con" xuống biển để ngư dân đi câu và rạng sáng quay lại vớt thúng. Do thúng nhỏ, chòng chành trên sóng nước, nên cứ thỉnh thoảng lại có chiếc thúng biến mất. Chỉ cần một trận gió lốc nhẹ, hoặc sóng mòi cao chừng 1 mét xuất hiện là có thể thêm một sinh mạng nằm lại ở biển.

Với tính chất nguy hiểm và đối mặt với những vụ mất tích cứ rải rác xảy ra hằng năm, hầu như năm nào làng chài cũng có người đàn bà đắp mộ gió để tưởng nhớ người đàn ông đi biển không trở về. Vậy nhưng dân làng chài ở ngã 3 sông vẫn cứ theo con tàu ra đi, bởi nghề câu mực mang lại thu nhập khá cho ngư dân làng chài. Từ năm 2022 đến nay là thời điểm đỉnh cao của nghề câu mực. Có ngư dân đi 1 phiên hơn 30 ngày đã có thu nhập 45 triệu đồng.

Ông Dũng kể rằng, hồi mới trở về quê, xuống thúng đi câu trên tàu đánh cá của ngư dân Lương Văn Khuê, lúc đang lúi húi sau tàu để phơi mực thì ông bị sảy chân và rơi xuống biển. Lúc đó, ông có cảm giác lạnh toát trong người và nghĩ tới cái chết. Nhưng rồi vận may lần đó là có ngư dân nhìn thấy bóng người đang bơi trên biển và cứu vớt nên ông Dũng được trở về đất liền an toàn.

Còn nhớ, trong chuyến đi vào mùa Đông năm 2020, ông Dũng cùng các ngư dân đi trên con tàu hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Cơn bão số 10 ập tới, tàu chạy vào âu tàu ở Trường Sa để tránh trú. Ngư dân trên tàu, người lo phơi mực cho khô, người dồn bao, đánh dấu và dồn riêng ở từng góc để sau này dễ lựa chọn, phân loại. Ông Dũng đột nhiên đổ bệnh và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để điều trị. Ông ngồi nhắc lại: “Chừ đời mình đã lỡ hẹn với Hoàng Sa, Trường Sa”.

“60 ngày, ba sắp về rồi!”

“Đi câu mực đừng nói trước điều gì... Đi câu mực đừng có hứa này, hứa kia” - ngư dân Huỳnh Văn Hiệp, nhà ở bên kia sông Bồ Đề (xã Tam Quang) có câu nói giống như ông Dũng. Đối với nghề nghiệp rủi ro cao, ngư dân kiêng cữ đủ mọi thứ. Ngồi tại gia đình nạn nhân Nguyễn Ngọc Phúc, ông Hiệp kể về những năm tháng đầu tiên đi câu mực trên chiếc thúng loại nhỏ, cứ gió lất phất là trôi dạt khắp nơi. Ông Hiệp là cựu chiến binh, từng tham gia chiến trường Campuchia, rồi trở về quê và bắt đầu cuộc đời mưu sinh, ra biển làm nghề câu mực như ông Dũng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, BĐBP Quảng Nam đến thăm và động viên thân nhân của ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp. Ảnh: Văn Chương

Thời mới đi câu mực, phương tiện thô sơ, thiết bị định vị không có, nên con tàu cứ nhằm thẳng hướng quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) mà đi. Khi ra tới nơi, ngư dân thả thúng đi câu buổi chiều hôm, có khi sáng ra, thúng dạt vào tận đảo Tri Tôn, nên ngư dân đi lên đảo để tìm con lạch sâu rồi kéo thúng chèo ra ngoài tàu.

Đến thời điểm hiện nay, ngư dân đi câu đã sắm thúng có đường kính lên đến hơn 5 mét, trọng lượng nặng lên đến cả tạ, vì vậy những con sóng mòi, hoặc gió không lớn thì khó xô chiếc thúng lật úp, thảm cảnh sáng tàu mẹ đi vớt thúng thì “thiếu con” không còn xảy ra như những năm trước đây. Tuy nhiên, nghề câu mực đang phát triển nóng, ngư dân đi xuyên qua mùa Đông nên ẩn chứa rủi ro từ những cơn lốc xoáy, đây là tai họa không thể dự báo trước.

Kể về mối nguy hiểm trên biển cả, ông Hiệp và các ngư dân nhắc lại nỗi sợ hãi nhất là vòi rồng trên biển. Các ngư dân kỳ cựu đều nhận định, vụ tai nạn vừa qua khiến 2 tàu câu mực QNa90129TS và QNa90927TS bị chìm là do vòi rồng gây ra. Thỉnh thoảng vào buổi chiều, phía đường chân trời xuất hiện những đám mây đen hạ thấp, sau đó có thêm 2 cái đuôi thòng xuống nước thì đó chính là vòi rồng. Sau đó là cuồng phong nổi lên và 2 vòi rồng di chuyển, phát ra âm thanh rú rít như quái vật. Khi trên biển có thời tiết xấu và ban đêm thì ngư dân sẽ vô tình trở thành “mồi ngon” của vòi rồng.

Ngày 20/10/2023, tàu KN 467 đưa 2 thi thể ngư dân và các ngư dân sống sót trên 2 tàu bị nạn vào đất liền. Tôi trở lại ngôi nhà của ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp và cậu con trai nhỏ là Nguyễn Văn Dũng (học sinh lớp 4) vẫn ngây thơ đếm ngày tháng, “60 ngày, ba sắp về rồi!”. Còn ở ngôi nhà của chị Mai Thị Nghị, vợ nạn nhân Đinh Văn Phương, cậu con trai là Đinh Văn Thoại (hiện đang học lớp 11) vì em hiểu được nỗi mất mát của gia đình nên thốt lên: “Ba ơi, ba không bao giờ trở về nữa!”.

Trong đêm 16, rạng sáng 17/10/2023, 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam là QNa90129TS và QNa90927TS đã bị lốc xoáy đánh chìm ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Lực lượng Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư đã phối hợp với nhiều tàu cá của ngư dân tổ chức tìm kiếm, cứu vớt được 83 ngư dân.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO