Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 05:13 GMT+7

Hiệu quả “kép” từ mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi

Biên phòng - Từ năm 2018 đến năm 2021, với nguồn tài trợ từ Quỹ Coca Cola, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã triển khai Dự án thí điểm mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại ba tỉnh vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An. Kết quả thực tế đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả của mô hình trên, mở ra nhiều hướng canh tác mới cho mùa nước nổi.

Phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tham dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật rút tơ sen để dệt vải (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: IUCN

Ông Andrew Wyatt, Phó Giám đốc IUCN tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar cho biết, dự án đã thực hiện các mô hình tại 15 điểm thuộc 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau.

Nhiều hướng canh tác mới cho mùa nước nổi

Với sự hỗ trợ của IUCN, tỉnh Long An triển khai thí điểm các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi cho các hộ dân trên địa bàn Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Láng Sen thuộc huyện Tân Hưng. Theo đó, 4 mô hình sinh kế: Trồng sen lấy hạt, trồng sen lấy ngó, trồng lúa mùa nổi và trồng hẹ nước được triển khai với sự hưởng ứng của người dân.

Tính toán cho thấy, mô hình trồng sen lấy hạt mang lại lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó, lợi nhuận từ mô hình trồng sen lấy ngó là hơn 29 triệu đồng/ha, mô hình trồng hẹ cho thu nhập 5,9 triệu/ha. Còn mô hình lúa mùa nổi dài khoảng 3 tháng cho lợi nhuận 10 triệu đồng/ha.

Dự án thí điểm mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại Long An, ngoài giá trị kinh tế còn mang lại nhiều giá trị về mặt môi trường. Dự án đã xây dựng các mô hình canh tác thích ứng, giúp nông dân gia tăng thu nhập so với làm lúa. Đồng thời, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cải tạo đất. Dự án cũng tạo ra sản phẩm mới, thân thiện với môi trường từ hạt sen, ngó sen, lúa sạch, cá tự nhiên và tơ sen. Quan trọng hơn cả là các mô hình thích ứng tốt hơn với điều kiện nước lũ thất thường, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị cảnh quan sinh thái. Các mô hình đều đơn giản, phù hợp với lao động nông thôn, giúp phụ nữ có việc làm tại nhà, có cơ hội chăm sóc gia đình và không phải di cư để tìm kế sinh nhai.

Hiệu quả “kép”

Cũng với sự sự hỗ trợ của IUCN, từ năm 2018, mô hình trồng sen mùa nước nổi đã được triển khai tại 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thạc sĩ Trần Chế Linh, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, 60ha trồng sen của dự án đã mang lại những kết quả tích cực. Lợi nhuận mô hình trồng sen kết hợp với dẫn dụ cá tự nhiên đạt 55 triệu/ha. Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin, mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi đang triển khai tại An Giang tuy quy mô nhỏ, nhưng đã mang lại lợi ích lớn. Thực tế, trồng một vụ sen cho hiệu quả kinh tế lớn hơn các vụ lúa trong năm.

Ngoài việc giúp bà con có sinh kế trong mùa nước, tăng thu nhập, ruộng sen còn mang lại hiệu quả về môi trường. Lượng phù sa trung bình hàng năm ruộng sen mang lại từ 0,5 – 0,7cm. Ruộng sen còn trữ bình quân 0,9m nước, qua đó, giúp cho đất có thêm phù sa, nhất là đến vụ lúa Đông Xuân, bà con canh tác lúa tốn ít chi phí hơn. Về mặt xã hội, mỗi ha sen giải quyết 4 lao động trực tiếp và 4 lao động gián tiếp). Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, các mô hình còn góp phần hỗ trợ cho chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng khả năng trữ nước ngọt cho vùng đồng bằng này.

Sau gần 4 năm thực hiện, các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi đã triển khai trên 470ha diện tích đất nông nghiệp tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, tích trữ khoảng 7 triệu m3 nước trong mùa lũ. Do đó, đây cũng được xem là biện pháp khôi phục sinh cảnh và bảo tồn cho các loài thủy sinh. Ngoài ra, lượng phù sa tích tụ trong đồng ruộng cũng giúp tăng độ phì nhiêu của đất, làm giảm nhu cầu phân bón cho cây trồng trong mùa khô, giảm dịch bệnh hại cây trồng, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và làm gia tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học trong hệ sinh thái canh tác nông nghiệp.

Dự án thí điểm các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước cũng đã giới thiệu kiến thức mới cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen vốn trước đây không có giá trị kinh tế. Điều đó cũng chứng minh rằng, phụ nữ địa phương có khả năng giữ lại giá trị cao của tơ sen ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sản xuất vải sen có giá trị cao. Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầy tiềm năng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần được hỗ trợ để phát triển hơn nữa.

Mô hình trồng sen ngoài giá trị kinh tế cao, còn có khả năng trữ nước, giữ phù sa, cải tạo đất. Ảnh: Bích Nguyên

Thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành ngày 17-11-2017.

Có thể nói, dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi đã mang đến cho cộng đồng địa phương cơ hội và kinh nghiệm trực tiếp để thử nghiệm các mô hình khác nhau. Các mô hình nói trên đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho trồng lúa thâm canh mà vẫn đem lại lợi nhuận. Ngoài ra, các mô hình còn có khả năng nhân rộng mà không cần đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng như đê bao.

Để nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Linh cho rằng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ một phần kinh phí trong chuyển đổi cây trồng cho vùng lúa-sen và hỗ trợ cho chuỗi liên kết nông dân (tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp) để đầu tư các trang thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm từ sen...

Ngoài ra, theo ông Trần Anh Thư, để mô hình phát triển ổn định, cần phải có sự kết nối thị trường và phát triển các dòng chế biến từ sen. “Hiện, tỉnh An Giang đang làm việc với một số doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con” - ông Thư cho biết.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO