Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:55 GMT+7

Hiệu quả mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" ở Lạng Sơn

Biên phòng - Sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã chứng minh đây là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh miền núi, biên giới Lạng Sơn.

Đoàn Thanh niên huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn thực hiện công trình mã QR thông tin Di tích lịch sử khu lưu niệm Hoàng Văn Thụ và các điểm di tích, du lịch của địa phương. Ảnh: Phương Liên

Xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn có diện tích gần 4.000km2, chiều dài đoạn biên giới 10km. Các thôn chủ yếu nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1B; có 1.076 hộ, hơn 4.100 nhân khẩu; 4 dân tộc chính: Tày, Nùng, Kinh, Dao, trong đó, dân tộc Tày, Nùng chiếm đa số.

Lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn trải dài và rộng như vậy nên theo ông Nông Duy Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin vào các hoạt động. Từ Ban Chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo UBND, đại biểu HĐND xã, các bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín... đều thành lập các nhóm trên mạng xã hội. Khi có thông tin cần thiết hoặc muốn gửi văn bản cho nhau thì rất thuận tiện, lại không tốn chi phí in ấn. Một người triển khai hoặc có ý kiến là cả nhóm nắm được nội dung ngay mà không cần gặp mặt trực tiếp. Hay khi bà con phát hiện các đối tượng lạ mặt, khả nghi xâm nhập địa bàn thì chỉ ít giây sau là có thông tin, thậm chí cả hình ảnh gửi đến tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo để giúp người dân chuyển đổi số, trong đó có sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã giao Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng; mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có thể gồm trưởng thôn/bản, tổ trưởng tổ dân phố và 2 nhân sự (khuyến nghị có sự tham gia của Đoàn Thanh niên) nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các doanh nghiệp công nghệ số bồi dưỡng, tập huấn Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số (ví dụ: sử dụng dịch vụ công trực tuyến, gian hàng số, sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử, nền tảng trợ lý ảo, sổ sức khỏe điện tử, các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch và các nội dung khác theo từng thời kỳ).

Ông Dương Công Chài, dân tộc Tày, thôn Nà Riềng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn sử dụng thành thạo mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về homestay của gia đình. Ảnh: Phương Liên

Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai...). Tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (ví dụ: lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Hiện nay, Lạng Sơn đã thành lập được 1.662 tổ với hơn 9.000 thành viên ở khắp các thôn, bản trong toàn tỉnh. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thực.

Anh Lý Văn Nhân, ở xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc tâm sự, là nông dân nên anh rất quan tâm đến các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt. Vì thế, anh đã tích cực tìm hiểu các thông tin mình quan tâm trên các ứng dụng được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn truy cập. Anh hào hứng nhận xét, công nghệ số không còn là cái gì đó xa vời, cao siêu, mà thực sự rất gần gũi, dễ hiểu, mang lại nhiều tiện lợi cho bản thân và đồng bào ở nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới khi mọi khoảng cách đều bị xóa nhòa.

Bên cạnh những lợi ích trên, một trong những thành công của mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" ở Lạng Sơn là đã hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử. Từ 200 cửa hàng số ban đầu, "Tổ công nghệ số cộng đồng" là lực lượng nòng cốt phát triển được hơn 116.000 cửa hàng số, đạt 60% số hộ gia đình có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, doanh thu tăng gần 200 lần.

Như vậy, thành lập các "Tổ công nghệ số cộng đồng" ở Lạng Sơn chính là việc làm thiết thực thể hiện quá trình chuyển đổi số ở tỉnh biên giới này đã bắt đầu. Cái hay là công cuộc chuyển đổi số đó là bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Chính vì thế, khi tạo ra giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, Tổ công nghệ số cộng đồng còn là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ đội. Năm 2023, Lạng Sơn được ghi nhận đứng thứ 3 toàn quốc về hoàn thành tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Sáng kiến cùng những hiệu quả của mô hình "Tổ công nghệ số cộng đồng" là cơ sở để chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ ở địa phương có 253km đường biên giới, 80% diện tích là đồi núi như Lạng Sơn. Thành công trong chuyển đổi số không chỉ góp phần vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn mang lại hiệu quả to lớn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi biên cương Tổ quốc.

Phương Liên

Bình luận

ZALO