Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 11:07 GMT+7

Hiệu quả từ hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới ở Hà Giang

Biên phòng - Thời gian qua, cùng với việc triển khai có hiệu quả mô hình “Chung tay kết nghĩa đồn-trạm hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên”, BĐBP Hà Giang đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác ngoại giao nhân dân, trong đó, ưu tiên đẩy mạnh kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Qua đó, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các địa phương vùng biên, củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia...

5930de4cf9ff19718d001238
Lễ kết nghĩa giữa các xã Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Pố Lồ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) với hương Múng Tủng (huyện Malypho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Ảnh: Tiến Thắng

Coi nhau như anh em trong nhà

Là tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có 34 xã, thị trấn biên giới có đường biên giáp với nước bạn Trung Quốc. Xuất phát từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa nên nhiều người dân ở hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, gắn bó đã bao đời nay. Xác định rõ, nếu tham mưu cho địa phương làm tốt chương trình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới với nhau sẽ tạo thêm tình đoàn kết, gắn bó, khơi dậy tính thân tộc, dân tộc, dòng họ, giúp nhân dân hai bên có thêm điều kiện giao lưu, cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chia sẻ nguồn nước, bảo vệ môi trường, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống, BĐBP Hà Giang đã tích cực “vào cuộc”.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, đầu tháng 1-2015, tại xóm Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, lễ ký kết nghĩa giữa xóm Mỏ Phàng (xã Thượng Phùng) với xóm Sán Trồ (Điền Bồng, Phú Ninh, Trung Quốc) đã được tổ chức với nội dung ký kết chính là cùng tích cực tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, dòng chảy sông, suối biên giới...

Qua tìm hiểu, được biết, trước khi tổ chức kết nghĩa, tại hai xóm giáp biên phía Việt Nam và Trung Quốc, nhìn chung người dân đều coi nhau như anh em, người nhà; thường xuyên quan tâm, chia sẻ các công việc; bản bên này có việc gì thì người dân bên kia cũng chia sẻ. Song khi chưa kết nghĩa, việc đi lại, thăm thân hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi, thăm hỏi gặp không ít khó khăn.

Từ khi xóm Mỏ Phàng tổ chức lễ ký kết nghĩa với xóm Sán Trồ, những khúc mắc trong việc đi lại thăm thân, gặp gỡ giữa nhân dân hai bên đã được khắc phục triệt để. Nhân dân hai bên biên giới coi nhau như anh em trong nhà, tình hữu hảo anh em, dòng họ được thắt chặt hơn. Đặc biệt, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy định của mỗi nước về biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau, cùng tìm cái đúng, cái sai để giải quyết thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa đảm bảo tình đoàn kết.

5930c41322f7c787ca00076b
Lễ ký kết nghĩa giữa thôn Na Cho Cai (xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Hà Giang) với thôn Phản Trà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Ảnh: Tiến Thắng

Ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ bình yên biên giới

Với đặc điểm có rất nhiều dân tộc anh em như Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh... cùng cư trú trên địa bàn biên giới, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân còn có nhiều khó khăn thiếu thốn nên các đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại truyền thống hữu nghị, lôi kéo đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang di cư tự do, vượt biên trái phép... Vì vậy, mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới đã thực sự có ý nghĩa quan trọng trong gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới cực Bắc của Tổ quốc.

Theo báo cáo của BĐBP Hà Giang, tính đến nay, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã được triển khai thành công tại 13/14 cặp cụm dân cư trên biên giới. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 12-2016 đã diễn ra lễ ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa xã Nàn Xỉn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) với trấn Đô Long (Vân Nam, Trung Quốc) và 3 xã Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Pố Lồ (thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) với hương Múng Tủng, huyện Malypho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Trước đó, đầu tháng 11-2016, lễ ký kết nghĩa giữa 5 xã biên giới thuộc huyện Quản Bạ (Việt Nam) với các hương, trấn của huyện Malypho (Trung Quốc) cũng đã được tổ chức thành công. Qua đánh giá bước đầu, hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở nên thuận lợi; mối quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai nước cũng được củng cố bền vững. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con cũng được thúc đẩy, hiệu quả.

Theo đánh giá của các ban, ngành chức năng tỉnh Hà Giang và phía bạn Trung Quốc, một trong những hiệu quả nổi bật nhất từ việc thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới của tỉnh Hà Giang là nhân dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên. Việc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước.

Với nhiều hoạt động kết nghĩa và nội dung trao đổi, gặp gỡ nên nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định quy chế biên giới của nhân dân sống hai bên biên giới đã được nâng lên rõ rệt...

Tiến Thắng - Hoàng Đông

Bình luận

ZALO