Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:42 GMT+7

Hiệu ứng tích cực từ tâm thư kêu gọi phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng - Ngư dân Nguyễn Tám bước lên cầu Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang và chia sẻ: “Tui là dân ngoài tỉnh, từ Bình Định vô trong này, nhưng biết rõ lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, khôngbáo cáo và không theo quy định (IUU), có cả số điện thoại của Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh”. Chống khai thác IUU ở Kiên Giang không chỉ được thực hiện bằng các chế tài pháp luật, mà còn song hành với động viên, giáo dục bà con.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: Văn Chương

Lời kêu gọi hướng đến từng con tàu

Từ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài nhìn ra biển, những cánh lục bình trôi chậm chạp trên dòng kênh tạo nên khung cảnh yên ả ở vùng biên viễn Tây Nam. Những chiếc tàu cập cảng ở Kiên Giang, kể cả tàu ngoài tỉnh nhưng hoạt động thường xuyên tại các cửa biển đều được BĐBP dán tờ tâm thư kêu gọi chống khai thác IUU của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trong khoang cabin.

Tâm thư với những lời kêu gọi rất tha thiết: “...Tỉnh ủy, UBND tỉnh kêu gọi bà con, đặc biệt là chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân hãy tích cực hưởng ứng lời kêu gọi này, thực hiện tốt kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ, nhất quyết không đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; đảm bảo đầy đủ thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt; mở liên tục thiết bị giám sát hành trình trong suốt thời gian đánh bắt trên biển...”.

Ở vùng biển Tây Nam, có một đội tàu cá hùng hậu từ Bình Định vào từ năm 1992 và không trở về quê. Trong quá khứ, những chiếc tàu này từng là tàu loại lớn, nhưng theo xu hướng phát triển mới, tàu có thân vỏ lớn hiện nay đã có chiều dài lên tới 20-25m, vì vậy, đội tàu của Bình Định đã bị tụt hậu trong cuộc đua phát triển.

Ngư dân Bình Định thường nói đùa về đội tàu này là “nhỏ mà có võ”. Có nghĩa là dù thân vỏ nhỏ, nhưng đội tàu này xuôi ngược khắp nơi, vươn ra những vùng biển rất xa. Thực tế, trong những năm qua, liên tục có tàu cá của tỉnh Bình Định bị các nước bắt giữ, nhưng chiếm phần lớn là nhóm tàu mấy chục năm lưu lại ở vùng biển Tây Nam.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh Bình Định, trong năm 2022, có 10 tàu/61 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, trong đó có 9 tàu xuất bến ngoài tỉnh (7 chiếc ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 1 chiếc ở tỉnh Bình Thuận, 1 chiếc ở thành phố Đà Nẵng) và 1 tàu tại địa phương. Trước thực trạng này, tàu mang biển số Bình Định khi cập vào Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài đã được BĐBP kiểm tra, kiểm soát kỹ, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Hành động theo tâm thư

Tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thường được dán ngay trong khoang cabin, bên cạnh vị trí của thuyền trưởng. Những cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài cho biết, đơn vị công khai đường dây nóng để ngư dân phản ánh tình hình. Tại trạm kiểm soát Biên phòng, sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký, kiểm chứng, thuyền trưởng Mai Kim Tới, quê ở tỉnh Bình Định còn được hướng dẫn xem qua bảng thông báo đặt tại phòng làm việc, trong đó có nội dung công khai số điện thoại của Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang là Đại tá Võ Văn Sử.

Thuyền trưởng Mai Kim Tới và các ngư dân đi trên tàu cho biết, họ đã đi qua rất nhiều tỉnh, thành phố, cập vào cửa biển các tỉnh từ Khánh Hòa tới Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau... nhưng chưa thấy nơi nào mà việc triển khai chống khai thác IUU quyết liệt như ở Kiên Giang. Ngư dân quanh năm đánh bắt trên biển, ít có điều kiện tiếp cận thông tin như những người làm nghề trên đất liền, nên việc Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh công khai cả số điện thoại làm đường dây nóng làm cho ngư dân rất yên tâm và hứa sẽ chấp hành tốt các quy định.

Chị Thảo, vợ một ngư dân cho biết, mỗi khi gặp chồng, con, chị đều nhắc chuyện ở ngoài quê mình (Bình Định) cũng đang triển khai chống khai thác IUU mạnh lắm. Khi vô tới Kiên Giang mới thấy Chủ tịch UBND tỉnh còn gửi tâm thư cho từng chủ tàu thì chị nhắc chồng, con phải ý thức tốt hơn nữa.

Trước khi cho tàu nổ máy rời trạm kiểm soát Biên phòng, vài ngư dân tiếp tục chia sẻ nội dung trong bức tâm thư để thể hiện bà con đang vào cuộc. Các ngư dân nhấn mạnh vào nội dung: “Việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) là quyết tâm, là trách nhiệm của cả nước, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, sẽ kiên quyết triển khai thực hiện vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển”.

Tại cảng cá Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, câu chuyện về hiệu quả từ bức tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được tôi mang đi chia sẻ với các ngư dân miền Trung đang mưu sinh ở vùng biển Tây Nam. Các ngư dân cho biết, bức tâm thư đó cũng có tác động tích cực, nhưng nên phát trên sóng Icom cộng đồng vào 4 giờ chiều - thời gian ngư dân thức giấc để chuẩn bị cho phiên biển đêm, thì thông tin sẽ có độ lan tỏa tốt nhất.

Cuối tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã đến kiểm tra thực tế và làm việc với tỉnh Kiên Giang về tình hình chống khai thác IUU. Đồng chí Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã báo cáo toàn diện về vấn đề này. Phó Thủ tướng đã biểu dương thành quả rõ nét của địa phương trong công tác phòng, chống khai thác IUU, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn của ngư dân trong hoạt động khai thác hải sản.

Nhiều ngư dân cho biết, sau khi đọc tâm thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, họ nhận thức đầy đủ rằng: “Đây là nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá rất cao sự hợp tác của bà con trong thời gian qua, nhưng điều đó vẫn chưa đủ điều kiện để gỡ "thẻ vàng" của EC, vì vậy, đề nghị bà con nghiêm chỉnh thực hiện. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO