Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 05:15 GMT+7

Hỗ trợ người dân các xã biên giới phát triển kinh tế

Biên phòng - Vị Xuyên (Hà Giang) là huyện biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, gồm 24 xã, thị trấn và được phân thành 2 vùng rõ rệt, đó là các xã, thị trấn thuộc vùng thấp và các xã vùng cao. Hiện, các xã vùng cao biên giới của Vị Xuyên thuộc các xã nghèo (xã vùng III) như Lao Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải. Trong những năm qua, huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân thuộc các xã nghèo biên giới phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi gia súc của các xã nghèo ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Nhờ được hỗ trợ kinh phí, nhiều hộ dân xã biên giới Lao Chải, huyện Vị Xuyên đã đẩy mạnh nuôi trâu nhốt chuồng gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Ảnh: Văn Phú

Tính đến cuối năm 2022, tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Vị Xuyên đã đạt 38,7%, trong đó, chủ yếu là phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, chủ yếu là đàn bò, trâu, lợn và dê... Để có được kết quả đó, trong những năm qua, huyện Vị Xuyên đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân các xã biên giới đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các hộ nghèo vay vốn để mua giống gia súc; hỗ trợ kinh phí để người dân mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc; hỗ trợ các loại vaccine tiêm phòng khi dịch bệnh xảy ra... Vì vậy, chương trình phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa tại các xã biên giới của huyện Vị Xuyên ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ hỗ trợ kinh phí của huyện, nhiều hộ dân các xã biên giới của Vị Xuyên đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ nên đã thoát nghèo và có nguồn tích lũy để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, dần vươn lên làm giàu. Có thể kể đến hộ ông Vàng Seo Cón, dân tộc Mông, thôn Cốc Pa, xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên. Trước kia, gia đình ông Cón thuộc hộ nghèo của xã Lao Chải. Năm 2017, nhờ được huyện hỗ trợ về kinh phí mua giống gia súc, phát triển trồng cỏ và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, đến năm 2019, gia đình ông Cón đã thoát nghèo và đã có nguồn tích lũy để mở rộng chăn nuôi.

Từ năm 2021 đến nay, gia đình ông Cón mỗi năm xuất bán từ 1 - 2 con trâu, 1 - 2 con bò và hàng chục con dê..., đã mang về nguồn thu từ 140 - 150 triệu đồng mỗi năm. Hay như gia đình ông Cháng Văn Kim, dân tộc Nùng, thôn Nấm Na, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên, trước kia thuộc diện hộ nghèo của xã, nhờ được huyện hỗ trợ kinh phí mua giống gia súc và phát triển trồng cỏ vào năm 2016; đến năm 2018, gia đình ông Kim đã thoát nghèo. Từ năm 2020 đến nay, gia đình ông Kim đã mở rộng phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, dê, bò, lợn.. , mỗi năm mang về nguồn thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng.

Từ cơ chế chính sách hỗ trợ của huyện, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh thông qua Chương trình “Phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa” và sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền đã khuyến khích người dân các xã biên giới của Vị Xuyên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô gia trại và trang trại.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, nhiều hộ nông dân vùng biên giới của huyện Vị Xuyên đã tận dụng các nguồn đất bỏ hoang và chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả do thiếu nước tưới sang trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Từ đó, đã tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, đã giúp người dân các xã biên giới của huyện Vị Xuyên hình thành nên nhiều trang trại chăn nuôi gia súc (chủ yếu là trâu, bò và dê) theo hướng hàng hóa, trong đó, có khoảng 5 trang trại có số lượng đàn trâu từ 5 - 7 con; 7 trang trại có số lượng đàn bò từ 6 - 8 con; 8 -10 trang trại có số lượng đàn dê từ 15 - 20 con...

Về diện tích trồng cỏ, hiện nay, các xã biên giới của huyện Vị Xuyên đã có khoảng 100ha và phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện Vị Xuyên sẽ hỗ trợ người dân các xã biên giới về giống và kỹ thuật để hoàn thành trồng mới 30ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của một hộ gia đình xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Văn Phú

Ngoài ra, nhờ được hỗ trợ về kinh phí, tại các xã vùng cao biên giới của Vị Xuyên cũng đã hình thành nên các mô hình nuôi nhốt và vỗ béo trâu, bò, dê theo hướng hàng hóa. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc do các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân biên giới trong các khâu kỹ thuật như vệ sinh chuồng trại, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, kỹ thuật nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chế biến và dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa Đông...

Có thể khẳng định, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ tại các xã khu vực biên giới của huyện Vị Xuyên là một định hướng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với người dân khu vực biên giới trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó, nhờ được hỗ trợ về kinh phí và đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình phát triển chăn nuôi, đàn gia súc của các xã biên giới huyện Vị Xuyên ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân một cách hiệu quả và bền vững. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp huyện Vị Xuyên đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững đối với người dân các xã biên giới trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

"Trong những năm qua, chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa của huyện đối với người dân các xã biên giới đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy quá trình giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ người dân các xã biên giới đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc theo quy mô gia trại gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ; phấn đấu đưa giá trị chăn nuôi chiếm tỷ trọng 40% trong cơ cấu nông nghiệp của huyện vào cuối năm 2023" - đồng chí Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên khẳng định.

Phạm Văn Phú

Bình luận

ZALO