Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 08:26 GMT+7

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống cửa khẩu hiện đại

Biên phòng - Ngày 31/7 vừa qua, Nghị định số 34/2023/NĐ-CP, ngày 16/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền đã chính thức có hiệu lực. Việc Nghị định số 34/2023/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền hiện đại, thuận lợi, thông thoáng cho người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu; xây dựng biên giới, cửa khẩu hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển với các nước có chung đường biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn hướng dẫn lái xe người Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh người và phương tiện vào Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền của nước ta có vai trò quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cầu nối tăng cường hợp tác, củng cố tình hữu nghị với các nước láng giềng và là cửa ngõ giao thương, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trên biên giới đất liền có tổng số 117 cửa khẩu, bao gồm: 27 cửa khẩu quốc tế, 23 cửa khẩu chính (song phương), 67 cửa khẩu phụ và 77 lối mở biên giới.

Ngày 21/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ bản, toàn diện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới đất liền, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết để Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành chức năng và các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền tổ chức triển khai thực hiện. Nghị định số 112/2014/NĐ-CP được thực hiện từ năm 2015 đến nay đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới đất liền, như nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đối với quản lý cửa khẩu biên giới được nâng cao, chấm dứt tình trạng mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định; trang bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cửa khẩu từng bước được quan tâm, đầu tư.

Bên cạnh đó, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) nhìn chung đã được quy hoạch, xây dựng cơ bản; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu được quy định rõ ràng, cụ thể; quy trình, thủ tục kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu được thực hiện thống nhất theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo chặt chẽ về yêu cầu nghiệp vụ, đồng thời tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực cửa khẩu được đảm bảo, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực cửa khẩu ngày càng cao; mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của chính quyền, nhân dân, lực lượng bảo vệ biên giới, quản lý cửa khẩu của Việt Nam và nước có chung biên giới ngày càng được củng cố, tăng cường và phát triển.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh biên giới đất liền tiến hành tổng kết đánh giá việc thi hành Nghị định số 112/2014/NĐ-CP. Kết quả cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực nêu trên, một số quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với văn bản pháp luật mới ban hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn.

Do đó, tháng 6/2022, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP đã được thành lập với cơ quan Thường trực Ban soạn thảo là Bộ Tư lệnh BĐBP. Quá trình xây dựng dự thảo Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan để xây dựng đề cương, dự thảo Nghị định; tổ chức lấy ý kiến tham gia của các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng và các đơn vị BĐBP; tổ chức khảo sát tại 25 cửa khẩu, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, lối mở biên giới thuộc 9 tỉnh biên giới đất liền; lấy ý kiến tham gia của 15 bộ, ngành có liên quan và UBND 25 tỉnh biên giới đất liền... để hoàn thiện dự thảo.

Sau thời gian xem xét nội dung dự thảo Nghị định số 34/2023/NĐ-CP, ngày 16/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2023/NĐ-CP. Nghị định này đã bổ sung, sửa đổi quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới.

Cụ thể, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu Bộ Quốc phòng thực hiện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới trong khu vực cửa khẩu, công trình cửa khẩu; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực cửa khẩu theo quy định pháp luật.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nam Giang, BĐBP Quảng Nam kiểm tra hộ chiếu làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách từ Lào vào Việt Nam. Ảnh: Bích Nguyên

BĐBP kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; thực hiện thủ tục biên phòng, cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định pháp luật về xuất nhập cảnh; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới theo quy định pháp luật.

Đồng thời, phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới, đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Nghị định số 34/2023/NĐ-CP cũng bổ sung quy định Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu.

Tại các hội thảo và qua các buổi khảo sát, các đại biểu tham gia ý kiến đều đánh giá, Nghị định số 34/2023/NĐ-CP được ban hành đã chỉnh lý, hoàn thiện về tên gọi, tính chất, loại hình cửa khẩu biên giới đất liền, phù hợp với quy định tại các Hiệp định về biên giới, cửa khẩu đã ký kết với các nước có chung đường biên giới.

Đồng thời, điều chỉnh, sửa đổi trách nhiệm của BĐBP tại cửa khẩu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam, pháp luật về an ninh quốc gia, về xuất, nhập cảnh và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan; phù hợp với các quy định của văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền hiện nay và lâu dài.

Thu Minh

Bình luận

ZALO