Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng

Biên phòng - Trong nhiều phiên thảo luận gần đây, đại biểu Quốc hội khẳng định tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao; nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui, đưa ra xét xử kịp thời với những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao.

Ảnh: minh họa

Thống kê trong 10 tháng năm 2022, các cơ quan điều tra đã thụ lý hơn 680 vụ án, hơn 1.400 bị can có hành vi tham nhũng; đề nghị truy tố trên 330 vụ. Tòa án Nhân dân các cấp đã giải quyết trên 530 vụ, trong đó đã xét xử 410 bị cáo. Thanh tra Chính phủ đã đôn đốc gần 5.600 kết luận thanh tra; xử lý 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng; thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng. Công tác thi hành án đã thi hành xong gần 1.900 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại hơn 14.400 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với hơn 110 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm; xử lý trách nhiệm của 19 người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; xác minh, xử lý hơn 70 người kê tài sản, thu nhập chưa đúng.

Kết quả này không chỉ người dân cả nước mà cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận. Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021 của Việt Nam đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 17 bậc so với năm 2020).

Khẳng định “công tác PCTN đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại trước hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn. Bên cạnh đó, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…

Cử tri bức xúc khi tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Một số cán bộ nhà nước móc nối, tiếp tay cho phạm tội để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…

Thực tế này cho thấy, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN thời gian qua còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao, một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất nên đã “dung dưỡng” lòng tham của những người có chức, có quyền lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tham nhũng.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả PCTN, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị, thực hiện đồng bộ 3 yếu tố: cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và kiện toàn hệ thống công cụ luật pháp, công cụ quản lý đủ chặt chẽ để không thể tham nhũng. Trong đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra theo hướng phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan tư pháp trong kiểm sát quyền lực đối với các cơ quan hành pháp.

Thống nhất quan điểm PCTN không có vùng cấm, kiên quyết xử lý nghiêm minh người vi phạm vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp để ngăn chặn hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của công tác PCTN.

Rõ ràng, công cuộc PCTN chỉ thành công khi mỗi người dân và toàn xã hội cùng có chung trách nhiệm đấu tranh, PCTN.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO