Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 05:01 GMT+7

Hoang sơ tháp cổ

Biên phòng - Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. 16 thế kỷ trôi qua, vùng đất thiêng, chứng tích nền văn hóa Chăm vẫn trầm mặc, uy nghi nhưng đầy kiêu hãnh. Tháng 12-2013, tròn 14 năm UNESCO công nhận Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.

8bp-1.jpg
Khách du lịch nước ngoài tại khu di tích Mỹ Sơn.
Từ thế kỷ XV, Khu đền tháp Mỹ Sơn dần chìm vào quên lãng khi người Chăm tiến hành những cuộc di dân dần vào miền Nam. Năm 1885, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi học giả người Pháp tên là M.C Pa-ri. Vào những năm đầu thế kỷ XX, 2 nhà nghiên cứu người Pháp tên L.Phi-nô và L. De Giông-ki-e và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Pác-men-chi-e đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. 18 năm sau, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn mới được L.Phi-nô chính thức công bố. Chính những tài liệu này làm cơ sở quan trọng để tiến hành trùng tu lại khu đền tháp ngày nay. Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bia ký trong tổng số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam biểu hiện sự ảnh hưởng nghệ thuật điêu khắc của Ấn Độ, nhưng phát triển tính bản địa và tính dân tộc tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp riêng của người Chăm trên dải đất hình chữ S.

Cho tới nay, không còn ngôi đền, tòa tháp nào còn nguyên vẹn. 16 thế kỷ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến đổ nát theo thời gian mà do trong khoảng từ năm 1969-1972, nơi đây phải hứng chịu những đợt bom đạn của giặc Mỹ. Vẫn còn đó những hố bom sâu hoắm và mảnh đạn, bom lẫn trong những tòa tháp đổ. Những bức phù điêu không còn nguyên vẹn thể hiện điệu múa mang tên nàng Apsara, 1 nàng tiên được Ngọc hoàng cử xuống trần gian dạy người Chăm điệu múa quyến rũ đến mê hồn. Còn đó những hình ảnh thầy tu, vũ nữ khắc kỷ và khoái lạc bật lên sức sống mãnh liệt của người Chăm với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt... Bước chân vào thánh địa tựa lạc vào thế giới cổ xưa. Đã nhiều năm nay, ông Lê Văn Minh, cán bộ phụ trách Tổ bảo tồn - bảo tàng của khu di tích Mỹ Sơn tiến hành đo, vẽ lại những cột đá sa thạch bị bom đánh gục ngổn ngang trên bãi cỏ nhằm dựng lại nguyên trạng ban đầu. Gắn bó với khu đền tháp đã gần 30 năm nên những điều ông nói về Mỹ Sơn cứ tuôn chảy nhẹ nhàng như Khe Thẻ, dòng suối uốn lượn, ôm ấp lấy thánh địa.

Trước đây, người Chăm chủ yếu sống dọc theo con sông Thu Bồn và thủ phủ chính là kinh đô Trà Kiệu, cách Thánh địa gần 20km. Vào đầu thế kỷ thứ VII, Vua Xam-bu-rác-mang đã xây dựng ngôi đền đầu tiên. Về sau, mỗi vị vua sau khi lên ngôi đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật, tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Ba-đrết-va-ra, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng A-ma-ra-va-ti vào cuối thế kỷ thứ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc. Sự tĩnh lặng của khu rừng với những ngôi đền, tháp cổ, khiến con người dễ tưởng tượng hình ảnh những tu sĩ Bà La Môn nghiêm trang, những cô gái Chăm huyền bí trong những tà áo và khăn trùm mặt kính cẩn dâng lễ lên các vị thần với lòng tôn kính nhất.

Khu đền tháp Mỹ Sơn đang trong giai đoạn trùng tu với kinh phí 1 triệu đô la từ tổ chức bảo tồn văn hóa của I-ta-li-a. Năm 2003, các nhà nghiên cứu vẫn cẩn trọng tập hợp tư liệu, tìm hiểu kỹ thuật và năm 2013 mới tiến hành trùng tu các tháp đổ. Theo ông Lê Văn Minh, sở dĩ tiến độ trùng tu chậm vì việc trùng tu phải hết sức thận trọng, vừa nghiên cứu, vừa trùng tu để không làm sai lệch kiến trúc ban đầu. Có lẽ điểm hoang sơ, chưa bị hiện đại hóa nên di tích Mỹ Sơn thu hút khách du lịch, trong đó, 70% là khách nước ngoài. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuấn, Công ty du lịch Đà Nẵng đang say sưa giới thiệu với 2 du khách Trung Quốc những viên gạch trên tháp còn găm mảnh bom, đạn của Mỹ. Hai vị khách tỏ ra vô cùng thích thú và ngạc nhiên khi thấy độ siêu cứng của những viên gạch được người Chăm nung trải qua 16 thế kỷ giữa mưa nắng nhưng vẫn còn y nguyên như ban đầu. Điều đặc biệt là, cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp nung thành những "viên gạch sắt" ấy. Thú vị với thông tin đó, tôi đưa tay sờ lên tường tháp, anh Tuấn gọi giật như thể tôi sắp đánh vỡ chiếc bình quý: "Đừng sờ vào". Có lẽ cái giá 1 triệu đô-la để trùng tu các ngôi tháp khiến anh nghĩ mọi người phải trân trọng hơn với di tích này. Thế mới thông cảm cho thái độ bức xúc của anh nhân viên bảo vệ với cô gái Việt tựa hẳn vào tòa tháp nghiêng để chụp ảnh.

Chiều cuối năm, sự tĩnh mịch khu đền tháp khiến hiện tại - quá khứ, cỏ cây và lòng người như hòa quyện vào nhau giữa mênh mông của trời đất. Chao ôi! Hoang sơ tháp cổ, hoang sơ vũ điệu xưa. Cong cong năm ngón ngũ hành, trăm năm bước mộng du...
Trúc Hà

Bình luận

ZALO