Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 01:55 GMT+7

Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Biên phòng - Ngày 1/7, tại UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP phối hợp với Văn phòng Bộ Công an, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), BĐBP Lai Châu tổ chức Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người (MBN), hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người" (30/7).

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Tính

Đến dự và chủ trì hội nghị có Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP; Đại tá Trần Nguyên Kỷ, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu; đồng chí Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn truyền thông, tổng đài 111, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Thượng tá Nguyễn Thị Thủy, chuyên viên cao cấp Văn phòng Bộ Công an. Dự Hội nghị còn có đại biểu huyện ủy, UBND huyện Phong Thổ; Đảng Ủy, UBND xã Huổi Luông; những người có uy tín trong xã và đông đảo bà con các dân tộc xã Huổi Luông.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, những năm qua, hoạt động của tội phạm MBN ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng, bao gồm: Những đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, người thường xuyên qua lại biên giới, người nhà nạn nhân sinh sống và định cư ở nước ngoài và thậm chí là nạn nhân trong các vụ MBN trước. Các vụ án MBN thường có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, hình thành đường dây MBN xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực tuyến để tiếp cận, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục, mang thai hộ để bán trẻ sơ sinh; lợi dụng hình thức thăm thân, du lịch hoặc tổ chức các đường dây xuất cảnh trái phép… sau đó thu giữ giấy tờ rồi đưa đến các cơ sở lao động cưỡng bức. Nạn nhân của tội phạm MBN thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, người đông bào dân tộc thiêu số, đa số người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài.

Trước tình hình trên, BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền tới nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân về phòng, chống MBN. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Chương trình phòng, chống MBN của Bộ Quốc phòng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu chỉ đạo, triển khai kế hoạch công tác phòng, chống MBN năm 2024.

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và MBN trên các tuyến biên giới, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; xem phim phóng sự về chủ đề MBN; trao đổi về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống MBN trên địa bàn tỉnh Lai Châu và công tác hỗ trợ giải cứu nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã giới thiệu mô hình hoạt động của Tổng đài Quốc gia phòng, chống MBN và quy trình chuyển tuyến và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân MBN; diễn tập các tình huống giải cứu nạn nhân… Đặc biệt, tại hội nghị các đại biểu được xem tiểu phẩm kịch ngắn có chủ đề phòng, chống MBN do các diễn viên không chuyên là cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Lai Châu và Hội phụ nữ địa phương vào vai, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Cán bộ BĐBP Lai Châu tuyên truyền về công tác phòng, chống MBN cho đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: Đức Tính

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp đã khẳng định: Thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động trong nắm tình hình, phối hợp giải cứu nạn nhân; thu thập tài liệu, xác lập các chuyên án truy xét, truy tìm đối tượng phạm tội MBN. Cục PCMT&TP đã chủ động nắm tình hình, phối hợp với BĐBP các tỉnh, thành rà soát nạn nhân, người có dấu hiệu bị mua bán, phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, Cục Lãnh sự/Bộ Ngoại giao và các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Campuchia, Lào giải cứu hàng chục nạn nhân, người nghi là nạn nhân, làm nguồn xác lập chuyên án truy xét cho các đơn vị. Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ cũng đã và đang tích cực, chủ động phối hợp với Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, các lực lượng chức năng nước láng giềng và các tổ chức quốc tế trong xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài.

Ban tổ chức tặng quà cho người có uy tín trong xã Huổi Luông đến tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Tính

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp mong muốn sau hội nghị này, các đơn vị BĐBP trên cả nước nói chung và BĐBP Lai Châu nói riêng sẽ quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống MBN của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác phòng, chống MBN, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm MBN tại khu vực biên giới, cửa khẩu, biển, hải đảo. Đồng thời, phát huy mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và BĐBP trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung và phòng, chống MBN nói riêng ở khu vực biên giới; tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật; cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thông tin các đường dây nóng, địa chỉ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho người dân các huyện biên giới (cả biên giới đất liền và biên giới biển), góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm MBN.

Đức Tính

Bình luận

ZALO