Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:20 GMT+7

Hòn vọng phu bên suối thôn Làng Nủ

Biên phòng - Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) chỉ có con suối nhỏ từ núi Con Voi chảy xuống cuối thôn. Vậy rồi sau cơn lũ quét kinh hoàng vào mờ sáng ngày 10/9, con suối này đã mở toang ra phía hai bờ như một nhánh sông nhỏ. Suốt những ngày u ám vừa qua, những người đàn bà là vợ, thân nhân của các nạn nhân sống sót cứ ra triền suối nhìn chong chong ánh mắt, nước mắt giờ đã cạn và BĐBP vẫn cùng với các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Chị Đặng Thị Ních ngồi bất động nhìn ra bờ suối. Ảnh: Văn Chương

Buổi sáng ở thôn Làng Nủ, mặt trời lên muộn vì bao quanh thôn là những ngọn núi thấp chạy lô nhô khắp bốn phía. Ngọn núi cao nhất ở vùng này là núi Con Voi. Thời xưa, người dân tộc Tày sống ở miền đất bạt ngàn cây cọ đã nghĩ đến bao câu chuyện thần thoại ở trên đỉnh núi hoang vu mà không phải ai cũng có thể một lần đặt chân đến. Từ trên triền đồi nằm trước trụ sở UBND xã Phúc Khánh, bóng dáng những người phụ nữ từ sáng sớm đã ra ngồi ngóng về phía bờ suối giờ đã mở rộng ra như con sông.

Chị Đặng Thị Ních đi từ nhà ra triền dốc này chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng bước chân của chị đã bao lần khuỵu xuống và phải nhờ 2 người đỡ cánh tay hai bên. Nơi chị Ních ngồi nhìn thẳng hướng ra bờ suối, cứ buổi sáng sớm, đội quân khuyển của BĐBP lại bắt đầu công việc dò tìm trên bãi sình lầy khổng lồ. Việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ gặp nhiều khó khăn hơn các điểm từng bị lũ quét trước đây, bở lũ bùn ngập sâu, đội quân khuyển chỉ đi được khu vực ven bờ, khi tiến ra giữa sông thì bị sụt lún nên phải quay trở lại. Chị Hà Thị Yêu, người ngồi bên cạnh chị Ních và vợ các nạn nhân khác cho biết: “Ngày nào tôi cũng ngóng theo các chú bộ đội, mong sao sớm tìm được thi thể người bị nạn chứ bây giờ không còn hy vọng sống sót nữa rồi”.

Từ ngày 10 đến ngày 15/9, việc tìm kiếm trên sông chủ yếu do lực lượng quân đội tiến hành, sang đến ngày 16/9, mặt sông đã rút bớt nước và bùn lầy đã bớt sụt lún, lực lượng dân quân và những người đàn ông ở thôn Làng Nủ bắt đầu tham gia tìm kiếm ở hai bên bờ, còn những người đàn bà ra ngồi bên bờ suối giống như những hòn vọng phu ngóng chờ tin tìm được tử thi.

Sáng 18/9, khi vừa có tin tìm được thi thể một nạn nhân, chị Lê Hoàng Thị Cảnh lập tức chạy ra bờ suối để nhận dạng thi thể vừa được đội quân khuyển của BĐBP phát hiện. Chị liên tục hỏi mọi người: “Có phải chồng em không, có phải là anh Hoàng Văn Giới không?". Tiếng của chị lạc đi giữa không khí nóng ran cùng với dáng bao người phụ nữ bước đi liêu xiêu ra phía bờ suối. Chị Cảnh cho biết, 2 người con trai là cháu Hoàng Việt Minh và Hoàng Văn Quân đang học lớp 10 và lớp 8, đều xin mẹ cho nghỉ học để ra bờ sông, hàng ngày ngóng trông việc tìm kiếm người cha đã mất tích. Buổi sáng định mệnh ngày 10/9, 3 mẹ con dậy sớm và lên ruộng thăm nước, người chồng ở nhà một mình và tai họa đã ập xuống. Chị Cảnh thốt lên: “Trời ơi, núi lở nổ như bom, sau đó là ào ạt đổ xuống cuốn trôi rất nhanh 40 ngôi nhà nằm sát mé suối, trong đó có chồng của em”.

Một vai gánh nặng một chồng, một vai gồng gánh con và động viên con cố gắng bước vào năm học mới, đó là tình cảnh của rất nhiều người phụ nữ, bà nội, bà ngoại ở thôn Làng Nủ sau thảm nạn khiến 55 người chết, 12 người mất tích. Cô gái trẻ Hoàng Thị Kim Thu trong bộ quần áo dân quân địa phương hàng ngày tham gia cùng bộ đội tìm kiếm người mất tích, thu dọn cây, củi trên sông. Những lúc nghỉ ngơi, Thu lại chạy sang khu vực BĐBP đang tìm kiếm để chờ ngóng tin. Cô gái trẻ có khuôn mặt đẹp kể câu chuyện đầy xúc động: “Bà con trong họ nhà em có tới 7 người mất, gồm 2 thím và 4 cháu nhỏ. Mới đầu năm học mới, em đưa cháu đến trường, nhưng giờ này, cháu mất hết cả rồi”.

Nhiều người phụ nữ ra sông ngóng trông tin của người thân từng ngày. Ảnh: Văn Chương

Sau lưng trụ sở UBND xã Phúc Khánh là căn nhà bạt để người thân các nạn nhân đến nhận tin và gặp các nhà hảo tâm. Có những người mẹ lớn tuổi dù đau xót trong lòng nhưng vẫn bình tâm động viên những người trẻ tuổi tiếp tục ổn định cuộc sống. Cụ Hoàng Thị Pen với ánh mắt thất thần, mái tóc bạc của bà bay lất phất theo gió. Không ngày nào bà không tới ngồi ngóng sang bên kia suối, đó là nơi người con gái Hồ Thị Duy sang làm dâu ở gia đình ông Hồ Văn Chung và cả nhà đều chết trong lũ quét. Cụ Pen lau nước mắt và nói: “Con gái sang làm dâu bên kia, có 2 cháu ngoại là Thuế và Hoàng vừa mới vào năm học lớp 6 và lớp 8, vậy rồi cả gia đình đều chết”. Đã nhiều ngày, cụ Pen chỉ ăn cầm chừng 2 bữa cơm, trong giấc ngủ, cụ vẫn thấy chập chờn hình ảnh của 2 người cháu ngoại có nụ cười tươi tắn, ngày nào cũng chạy về thăm bà ngoại. Từ ngày 16/9, toàn bộ các em học sinh ở tại thôn Làng Nủ đều được chuyển ra học tại địa điểm mới cách thôn khoảng 5km và được cha mẹ gửi lại trường. Còn trước đó mấy ngày, mỗi khi nhìn thấy các cháu nhỏ là cụ Pen lại khóc vì nhớ cháu.

Đã nhiều ngày trôi qua, bà Hoàng Thị Den và người chồng là ông Hoàng Văn Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng và trở về với cuộc sống ngày thường ở thôn Làng Nủ yên bình. Vợ chồng bà kể về số phận một người phụ nữ ở thôn Làng Nủ thật là oan nghiệt, đó là chị Nguyễn Thị Hình - vợ anh Vương Xuân Kiểu. Anh là người ở nơi khác đến lập nghiệp rồi cưới chị và ở lại thôn Làng Nủ theo quê vợ. Tháng 9/2023, anh Kiểu bị bệnh qua đời và theo phong tục của người Tày, khi tròn 1 năm sẽ tổ chức giỗ. Ông Hòa kể, “người Tày chỉ giỗ 1 lần, giỗ xong là xong thôi, giấy mời giỗ và tháo tang đã gửi là ngày 13/9, nhưng ngày 10/9 thì chị Hình chết, còn con trai là Nguyễn Văn Hành thì bị gãy tay, bị thương nặng đang nằm ở bệnh viện”.

Trong danh sách các nạn nhân chết, mất tích của thôn Làng Nủ, có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm như: 6 người trong gia đình ông Chiêu Thị Ban, 2 người trong gia đình ông Hoàng Văn Phương, 5 người trong gia đình ông Nguyễn Văn Chung, 5 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Vân... Chị Đặng Thị Ních ngồi bên bờ suối với dáng người bất động như một pho tượng sống, chị ngồi đó cho đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà người thân, nhiều người như chị đang đi ở nhờ nhà người thân. Bà Hoàng Thị Thắng thốt lên: “Ruộng trôi hết rồi, sau này không biết sẽ phải sống ra sao”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO