Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:39 GMT+7

Hướng tới an sinh lâu dài

Biên phòng - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Quy định hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau khi Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội 2 phương án trong dự thảo Luật sửa đổi.

Gần 99% số người rút BHXH một lần chỉ sau 1 năm nghỉ việc và 67% trong số đó có thời gian đóng bảo hiểm dưới 5 năm. Ảnh minh họa

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Gần 99% số người rút BHXH một lần chỉ sau 1 năm nghỉ việc và 67% trong số đó có thời gian đóng bảo hiểm dưới 5 năm.

Đáng lưu ý, 77,5% người hưởng BHXH một lần là lao động trẻ từ 20-40 tuổi. Sau khi hưởng BHXH một lần, chỉ có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH. Với tốc độ người lao động rút BHXH một lần tăng trung bình 12,3%/năm trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và mục tiêu gia tăng diện bao phủ BHXH.

Thế nên, dự thảo Luật đưa ra phương án quy định: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1/7/2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phương án này sẽ từng bước khắc phục được tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần trong thời gian qua. Nếu được thông qua, quy định này sẽ giảm nhanh số người rút BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Tuy nhiên, quy định không được nhận BHXH một lần không áp dụng đối với hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH nên không tránh khỏi tình trạng rút BHXH một lần tiếp tục gia tăng.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đánh giá cao phương án 2 trong dự thảo Luật. Theo đó, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo phương án này, khi người lao động rút BHXH một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại. Người lao động khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Mặc dù vậy, phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh và điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO