Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:42 GMT+7

Hướng tới môi trường thông tin lành mạnh

Biên phòng - Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hóa” các loại hình ấn phẩm ngoài báo, như tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí mới được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành đang nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội.

Ảnh: minh họa

Thực tế, thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều cơ quan tạp chí có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số trang thông tin điện tử tổng hợp có hình thức trình bày, dẫn nguồn, thậm chí, cử nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử hoặc tổng hợp tin, bài từ các cơ quan báo chí theo ý đồ riêng, nghiêng về các thông tin tiêu cực, giật gân, câu view...

Đáng lo ngại là một số trang mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử, trang tin điện tử tổng hợp.

Tất cả thực trạng trên dẫn tới tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí đang gây nhức nhối, bức xúc trong chính giới báo chí và dư luận xã hội, cần phải xử lý quyết liệt, triệt để.

Cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, về bản chất, “báo hóa” tạp chí là hiện tượng không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; phóng viên, nhà báo tác nghiệp ngoài phạm vi lĩnh vực, tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động. Một số tạp chí điện tử có biểu hiện “rửa nguồn” tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, dẫn đến liên kết nội dung trá hình, gây nên tình trạng tư nhân tác động, can thiệp vào hoạt động báo chí...

Theo Cục Báo chí, từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã xử lý 84 trường hợp tạp chí vi phạm với hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó 39 tạp chí bị xử phạt với hơn 1,4 tỷ đồng, 3 tạp chí bị đình bản, thu hồi 3 thẻ nhà báo. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ TT&TT xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa” và xử lý sai phạm 12 trường hợp với số tiền hơn 600 triệu đồng...

Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý, áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhưng tình trạng “báo hóa” vẫn còn tiếp diễn, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động của nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí thuộc quyền chưa tốt; việc tuân thủ quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo, phóng viên chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”, trong khi chế tài phục vụ công tác xử lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập hoặc quy định chưa đầy đủ...

Các nhà quản lý kỳ vọng, Bộ Tiêu chí nhận diện của Bộ TT&TT không chỉ giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.

Thiết nghĩ, để quản lý tốt hoạt động của báo chí, cần sớm sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan theo kịp với thực tiễn đang đặt ra. Theo đó, bổ sung những điều khoản quy định chặt chẽ về tôn chỉ, mục đích của tạp chí, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với báo, tạp chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích và hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO