Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:28 GMT+7

Huy động sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Biên phòng - Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều mô hình hay, cách làm mới với những nội dung, hình thức phong phú, sinh động. Qua đó, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đại diện các lực lượng, ban, ngành huyện Thanh Chương cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An phối hợp với Đại đội Biên phòng 252, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) tuần tra song phương bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Một ngày cuối tháng 6/2023, đại diện lãnh đạo huyện, các ban, ngành cùng các cơ quan Quân sự, Công an huyện Thanh Chương và cấp ủy, chính quyền xã Thanh Thủy phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, BĐBP Nghệ An tiến hành tuần tra song phương với Đại đội Biên phòng 252, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào). Đợt tuần tra diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, trời nắng nóng, song cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia vẫn quyết tâm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại tá Trần Đăng Khoa, Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An khẳng định: Qua thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg, vai trò, trách nhiệm của các tập thể, hộ gia đình và mỗi người dân biên giới đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới ngày càng được phát huy. Mỗi người dân biên giới thực sự là một "cột mốc sống" theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Hai bên đã tiến hành tuần tra đoạn biên giới từ cột mốc 459 đến cột mốc 462, có chiều dài 6,595km. Đội tuần tra song phương đã kiểm tra đường biên giới và tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới; đồng thời tổ chức phát quang tầm nhìn đường tuần tra biên giới, làm vệ sinh khu vực xung quanh các cột mốc. Qua đợt tuần tra, hai bên đã trao đổi thông tin liên quan đến an ninh biên giới; nắm và xử lý các tình huống xảy ra trên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động của nhân dân hai bên biên giới và theo đúng quy định pháp luật của hai nước...

Tỉnh Nghệ An có đường biên giới trên đất liền dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay) và 82km bờ biển; có 11 huyện biên giới, ven biển gồm 61 xã, phường, dân số trên 43 vạn người với 5 thành phần dân tộc sinh sống là: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ (gồm cả tộc người Đan Lai, Tày Poọng).

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Hiện nay, các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách, mà còn có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các lực lượng và mọi người dân.

Thực hiện Chỉ thị 01-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả với 736 buổi, 57.346 lượt người tham gia; qua loa phóng thanh với 392 giờ; qua loa kéo di động với 265 giờ; phát 25.000 tờ rơi, tài liệu tập trung vào các nội dung: Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thủy sản; Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...

Qua công tác tuyên truyền, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; nhận thức, ý thức trách nhiệm, tình cảm của nhân dân trong tỉnh nói chung và nhân dân khu vực biên giới nói riêng với hoạt động bảo vệ biên giới được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề quan trọng cho việc tổ chức thành công phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chia sẻ: Chúng tôi áp dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới, trước hết là người thân trong gia đình, dòng họ, bản làng về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân; vị trí, tầm quan trọng của chủ quyền lãnh thổ, đường biên giới và cột mốc quốc giới.

Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn đường biên, cột mốc, cọc dấu đường biên giới quốc gia. Người dân tích cực tham gia cùng BĐBP và các lực lượng thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc được 200 đợt với 1.767 lượt người, kịp thời phát hiện, xử lý 191 vụ với 371 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, thu nộp ngân sách Nhà nước 1.357.500.000 đồng.

Các tổ tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là các tập thể, hộ gia đình, các cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới, có mối quan hệ dân tộc, thân tộc hai bên biên giới đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, kịp thời phát hiện, cung cấp cho các lực lượng chức năng nhiều thông tin liên quan đến hoạt động xâm phạm lãnh thổ và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp trên biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Các tổ tự quản an ninh trật tự xóm, bản đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn tham gia giữ gìn an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, dân quân, Biên phòng tổ chức tuần tra, bảo vệ an toàn địa bàn, kịp thời giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm, không để các vụ việc kéo dài, tạo “điểm nóng” trong địa bàn.

Lê Thạch

Bình luận

ZALO