Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:51 GMT+7

Ia Lốp - nơi gặp gỡ của dòng sông và tình người

Biên phòng - Có một sự trùng hợp giữa điều kiện tự nhiên và con người ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) khi đây là nơi gặp gỡ của hai con sông Ea H’leo và Ia Lốp trước khi chảy sang đất bạn Campuchia, còn các “tân chủ nhân” của vùng đất mới đều đến từ hai tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa. Cũng như dòng sông, ở nơi những người con quê hương Đồng khởi hội ngộ, người xứ Thanh đã tạo nên địa bàn biên giới đa sắc màu về văn hóa, tập quán canh tác nhưng lại vô cùng đồng điệu trong nhịp sống để có thể chế ngự điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Ia Lốp - nơi gặp gỡ của dòng sông và cũng chính là nơi “hợp lưu” của tình người...

Đồn BP Ea H’leo phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ "giọt sương" trong nắng hạn...

Xin được lấy hình ảnh giọt sương (trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để nói về người lính Biên phòng (BP) đang từng ngày, từng giờ bám trụ nơi mảnh đất được ví như “tiểu sa mạc” nằm trong vùng “rốn lũ”.

Tại sao lại tồn tại nghịch lý về điều kiện tự nhiên như thế? Tất cả là do nền địa chất ở xã Ia Lốp, hoặc là lớp đất sét, hoặc là dải đá bàn trải rộng. Kể từ ngày diện tích rừng tự nhiên ở đây bị thu hẹp, sự khắc nghiệt càng trở nên khó lường hơn. Ròng rã suốt 6 tháng mùa khô, trời Ia Lốp tuyệt nhiên không có lấy một gợn mây, cả vùng biên rộng lớn khô rang như chiếc bánh tráng nướng. Mặc dù vậy, khi cơn mưa đầu mùa xuất hiện là ngay lập tức phải cảnh báo lũ lụt, do lưu lượng nước từ thượng nguồn hai con sông Ea H’leo và Ia Lốp đổ về rất lớn, trong khi cửa thoát thì gần như bịt kín. Đó là chưa kể những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, dông, lốc thường xuyên xảy ra trên toàn địa bàn huyện Ea Súp, khiến cho không ít hộ gia đình đang yên đang lành bỗng chốc rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Trở lại câu chuyện về người lính BP. Sở dĩ chúng tôi lấy hình ảnh giọt sương để đặc tả sự mềm mại, trong trẻo của người lính là vì ở đây có Sương thật. “Giọt sương” bằng da bằng thịt ấy chính là Thiếu tá Từ Văn Sương, nhân viên vận động quần chúng Đồn BP Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk - người cán bộ dân vận đã gợi lên trong tôi niềm kiêu hãnh khi được khoác lên mình bộ quân phục BP. Đã 34 mùa khô khắc nghiệt đi qua, “ngôi sao xanh” ấy vẫn đều đặn tỏa sáng trên bầu trời biên giới. 34 năm - cuộc đời quân ngũ đối với một cán bộ mang quân hàm Thiếu tá là rất dài và có lẽ sự cống hiến cũng đã đong đầy theo năm tháng. Song bước chân người lính BP sinh ra trên đất Quảng Nam vẫn thanh thoát, ánh mắt, nụ cười vẫn trong trẻo, nhẹ nhàng như chính cái tên của anh vậy.

Chỉ hơn 1 năm kể từ ngày được cấp trên điều động về công tác ở Đồn BP Ea H’leo (tháng 12/2019), Thiếu tá Từ Văn Sương đã cho ra mắt mô hình dân vận có thể nói là đầy tính quyết đoán nhưng không hề thiếu sự thận trọng, tình yêu thương và trách nhiệm khi đầu tư hỗ trợ 235 triệu đồng (2 đợt) cho ông Nguyễn Văn Triều - hộ gia đình nghèo ở thôn Dự, xã Ia Lốp để mua 16 con bò giống sinh sản. Nên nhớ, thời điểm này, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, tạo tâm lý hết sức hoang mang, lo lắng trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, với sự trải nghiệm một nắng hai sương thuộc hàng “con nhà nòi” của cả người cho đi và nhận lại, mô hình đàn bò sinh sản của ông Triều nhanh chóng phát triển cả về chất và lượng (đến nay đã lên đến 30 con). Không dừng lại ở đó, tháng 7/2022, Thiếu tá Từ Văn Sương tiếp tục hỗ trợ bà Nguyễn Thị Lanh - hộ gia đình nghèo, chính sách ở thôn Dự số tiền 29 triệu đồng để mua hai con bò giống về nuôi. Và kết quả cũng giống như người thứ nhất, đến nay, đàn bò của bà Lanh đã tăng số lượng lên 5 con, lợi nhuận đạt tương đương “một vốn một lời”.

Tất nhiên, nói thì rất gọn, nhưng công sức của người cho đi và nhận lại dành cho hai mô hình này thì không nhỏ tý nào. Họ cần phải có niềm tin, sự cần cù, chịu khó và trên tất cả là tình yêu thương, trách nhiệm dành cho nhau: “Tính đến thời điểm này, số tiền đầu tư hỗ trợ đã lên đến 300 triệu đồng giúp bà con mua bò giống và xây dựng chuồng trại. Với khả năng của bản thân thì đây là số tiền khá lớn, nhưng tôi luôn hài lòng vì đã được trực tiếp đồng hành, dìu dắt bà con vươn lên thoát nghèo bền vững...” - Thiếu tá Từ Văn Sương nhẹ nhàng tâm sự với chúng tôi như thế.

Rõ ràng, nếu nhìn vào tỷ lệ hộ nghèo hiện tại ở xã Ia Lốp (63,77%) thì đóng góp của Thiếu tá Từ Văn Sương chỉ là “giọt sương trong nắng hạn”, nhưng tấm lòng và cách làm của anh thì rất đáng được vinh danh và nhân rộng.

... Đến sắc xanh trên vùng biên khô khát

Đứng chân trên địa bàn được ví như “tiểu sa mạc” trong vùng “rốn lũ”, tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn chiếm tới 63,77% là thử thách không hề nhỏ đối với Đồn BP Ea H’leo. Thực tế cho thấy, công tác dân vận, tham gia xây dựng địa bàn là điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ của những người lính mang tên dòng sông biên giới.

Thiếu tá Từ Văn Sương bên đàn bò của gia đình bà Nguyễn Thị Lanh. Ảnh: Thái Kim Nga

Chỉ riêng năm 2023, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, Đồn BP Ea H’leo đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Bất kể việc gì, thời điểm nào, người lính BP cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ; từ việc trực tiếp ra đồng lao động sản xuất với nhân dân, hướng dẫn trợ giúp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đến chăm lo mái ấm người nghèo, nâng bước em tới trường, hỗ trợ y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Trung tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn BP Ea H’leo chia sẻ: “Sống trên vùng đất khó, không phải việc gì mình cũng có thể làm tốt, nhưng gần gũi, sẻ chia với bà con là chúng tôi luôn sẵn sàng. Bên cạnh triển khai các mô hình giúp dân, hỗ trợ nguồn sinh kế, Đồn BP Ea H’leo còn tham gia xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như trồng cây xanh, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, xây dựng giếng nước sinh hoạt, đường điện “Thắp sáng vùng biên”... Với vai trò đồng hành và kết nối, chúng tôi không chỉ giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo, mà còn tăng cường tình đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng đời sống và tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.

Vâng, không phải việc gì cũng đều có thể làm tốt và sự cống hiến của người lính đôi khi chỉ là giọt sương trong nắng hạn. Song chính sự mềm mại, dẻo dai, tinh khiết ấy đã tạo nên sắc xanh trên vùng biên khô khát. Nhìn từ nghĩa đen, ở tương lai không xa, nơi hợp lưu của hai dòng sông chảy ra biên giới đang hình thành một vùng biên xanh với những cánh đồng lúa nước “cò bay thẳng cánh”.

Chiều về trên biên giới, theo chân Trung tá Hoàng Ngọc Ân (cán bộ tăng cường), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Lốp, chúng tôi xuống thăm cánh đồng lúa nước rộng hơn 100ha của thôn Thanh niên lập nghiệp. Đây là khu vực sản xuất lúa nước trọng điểm của xã Ia Lốp được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Mơ (Gia Lai) và hiện tại đang được bà con canh tác hai vụ. Trung tá Hoàng Ngọc Ân vui vẻ cho chúng tôi biết: “Sắp tới, sau khi hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu, tổng diện tích lúa nước của xã Ia Lốp sẽ đạt 4.100ha, tăng gấp 13,6 lần so với hiện tại. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao, kết hợp phát triển chăn nuôi, chắc chắn Ia Lốp sẽ trở thành vùng biên xanh phát triển bền vững...”.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO