Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 10:56 GMT+7

Iran với mục tiêu cân bằng đối trọng thông qua Mỹ Latinh

Biên phòng - Những ngày qua, thông tin xoay quanh chuyến công du đầu tiên tới các nước Mỹ Latinh của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là tâm điểm chú ý của dư luận chính trị quốc tế. Nhiều ý kiến nhìn nhận, chuyến thăm mang theo những thông điệp gắn kết lớn trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc gặp mới đây tại Venezuela. Ảnh: Reuters

Bình luận từ giới quan sát quốc tế, kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2021, ông Raisi ngày càng cho thấy sự chủ động của Iran trong việc mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latinh. Chuyến công du tới Venezuela, Nicaragua và Cuba của ông Raisi là một bước tiến quan trọng trong đường hướng chiến lược ngoại giao này. Trong bối cảnh chịu sức ép lớn từ Mỹ và các nước phương Tây, các kế hoạch tăng cường quan hệ giữa Iran với các nước Mỹ Latinh trở thành một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại. Cùng với đó, 3 quốc gia Mỹ Latinh cũng cho thấy sự thân thiện và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Iran.

Giới phân tích chính trị quốc tế nhìn nhận, những phát triển mới về đối ngoại của Iran diễn ra trong bối cảnh hình thành các liên minh song phương đối đầu với chính sách của Mỹ. Việc Iran mở rộng quan hệ với các nước Mỹ Latinh cũng được xem như cách thức để củng cố sự cân bằng về tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.

Thực tế lâu nay, Iran đã là một nhà đầu tư lớn vào khu vực Mỹ Latinh, nhất là trong lĩnh vực hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, lọc dầu... Iran cũng ngày càng có mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực Arab, châu Phi, châu Á.

Giới phân tích chỉ ra rằng, đây là chiến lược quan trọng của Iran nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt, giảm thiểu sự cô lập và tăng cường đối trọng với Mỹ và phương Tây. Cùng với đó, quá trình đàm phán khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA) với Mỹ và phương Tây tuy có nhiều tiến bộ nhưng cũng chưa thấy triển vọng thực tế. Liên quan tới JCPOA, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran gần đây cũng hợp tác tương đối tốt, nghiêm túc.

Một trong những phát triển quan trọng về đối ngoại của Iran thời gian qua là quan hệ với các nước Arab. Theo đó, các nước Arab đang thúc đẩy việc nối lại và phát triển quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia; Iran cũng đang dần bình thường hóa quan hệ với Ai Cập; Iran đề xuất thành lập liên minh hải quân với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đề xuất về kinh tế và hợp tác an ninh tập thể, đặt nền móng cho khuôn khổ hiệp ước quốc phòng tập thể và thiết lập hệ thống an ninh khu vực thông qua hợp tác tập thể chung giữa các quốc gia trong khu vực.

Việc theo đuổi chính sách đối thoại thân thiện mở rộng quan hệ với các nước giúp Iran nhận được sự hỗ trợ tích cực nhằm vượt qua khó khăn kinh tế. Giới chuyên gia khẳng định, Iran đã có bước chuyển đáng kể trong chiến lược, từ việc “ỷ vào” sức mạnh quân sự nhằm giành vị trí quốc tế sang biện pháp “mềm”. Iran đang cho thấy sự khôn khéo khi tận dụng khai thác hiệu quả các lợi ích riêng biệt trong quan hệ với từng quốc gia, hình thành các đồng minh hướng tới những mục tiêu xa hơn, bền vững hơn.

Nhận định từ giới quan sát, quan hệ Mỹ - Iran thời gian gần đây tương đối êm dịu so với thời chính quyền tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Hiện nay, nếu Mỹ tăng hiện diện và hoạt động quân sự “sát sườn” Iran, thì cường quốc Trung Đông này cũng có thể cân bằng đối trọng với Mỹ thông qua khu vực Mỹ Latinh. Tuy nhiên, thực chất hai bên đều không muốn lựa chọn giải pháp liên quan tới quân sự. Bởi, dù áp hàng loạt lệnh trừng phạt, nhưng Mỹ và phương Tây căn bản không thể ngăn chặn sự gắn kết giữa Iran với các quốc gia có chung quan điểm chính trị hay lợi ích kinh tế. Nhất là trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế và cũng ngày càng suy giảm đáng kể uy tín, tầm ảnh hưởng ở khu vực này.

Lợi ích thiết thực đang là sức hút mạnh mẽ mà Iran nêu cao khi tìm kiếm quan hệ hợp tác, điều này cũng sẽ giúp Iran củng cố được ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khi vấn đề hạt nhân Iran chưa có được tín hiệu khả quan thì những tham vọng này vẫn khó khả thi.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO