Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 07:55 GMT+7

Kế thừa tư tưởng dân tộc, quan điểm của Đảng về xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vấn đề xây dựng và bảo vệ biên cương, lãnh thổ luôn được các thế hệ cha ông chúng ta coi trọng, đặt lên hàng đầu trong các công việc trọng đại của đất nước. Tư tưởng đó đã được vua Lê Thái Tổ (Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người lập ra nhà Hậu Lê) viết thành bài thơ bất hủ khắc trên vách đá, trong đó có câu: “...Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an...” (tạm dịch là: Biên phòng muốn tốt cần có phương lược toàn vẹn; giữ nền xã tắc cần tính kế lâu dài).

Cán bộ Đồn Biên phòng Long Bình, BĐBP An Giang tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn đơn vị đóng quân. Ảnh: Gia Hiếu

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta luôn xác định quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là một bộ phận quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là nội dung đã được khẳng định tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng và nhân dân triển khai thực hiện.

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã quy định toàn diện, cụ thể các nội dung cơ bản về xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân bao gồm: Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới; Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới; Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Nội dung cơ bản xây dựng thế trận biên phòng toàn dân bao gồm: Xây dựng hệ thống kế cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; Xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới; Tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng” (Điều 9 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020).

Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam giúp nhân dân thu hoạch lúa. Ảnh: Xuân Bình

Có thể nói, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, đó là “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Đồng thời, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 cũng đã kế thừa, phát huy tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông về quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ, với các “phương lược” cụ thể, đầy đủ; đảm bảo cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự

Bình luận

ZALO