Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 18/06/2024 06:12 GMT+7

Khai thác tài nguyên văn hóa

Biên phòng - Công nghiệp văn hóa (CNVH) đang là một mục tiêu lớn của cả nước. Nhưng để biến các giá trị tinh thần thành tiền không phải chuyện dễ. Để đạt mục tiêu xây dựng nền CNVH vào năm 2030, cần thay đổi nhận thức và tư duy để hành động đạt kết quả cụ thể.

Ảnh: minh họa

Ở nước ta, các ngành CNVH được xác định gồm 12 lĩnh vực (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) và thu hút khoảng 2,3 triệu lao động. CNVH đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, đạt 4,04% GDP năm 2022.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có lợi thế lớn về tài nguyên văn hóa. Nổi bật là những di sản văn hóa, lịch sử, tự nhiên nổi tiếng thế giới; các sản phẩm âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh... ngày càng đa dạng, phong phú, có giá trị cao; đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và được thế giới ghi nhận trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, người Việt Nam là một dân tộc thông minh, yêu thích khám phá, sáng tạo. Tuy nhiên, CNVH vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Có thể thấy ngay một số “điểm nghẽn”, rào cản đối với việc phát triển các ngành CNVH.

Trước hết là nhận thức về phát triển các ngành CNVH chưa đầy đủ khi nhiều địa phương, nhiều người vẫn coi CNVH là một lĩnh vực thuần túy kinh tế, ít chứa đựng giá trị văn hóa, chạy theo đồng tiền, nên coi nhẹ các sản phẩm văn hóa, không định hướng, thậm chí buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách, luật pháp cũng chưa hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của CNVH. Không chỉ thiếu các luật liên quan đến 12 ngành CNVH, mà còn ở cả các luật có liên quan gián tiếp nhưng có ảnh hưởng rất quan trọng đến phát triển CNVH như đất đai, thuế, phí, hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công, tài trợ và hiến tặng trong lĩnh vực văn hóa...

Thế nên, nguồn lực tài chính của cả Nhà nước và khu vực tư nhân, xã hội hỗ trợ cho văn hóa chưa tương xứng với nhu cầu phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng. Nguồn nhân lực cho CNVH cũng còn thiếu đào tạo bài bản, thiếu các kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu...

Để khơi thông nguồn lực phát triển các ngành CNVH, các chuyên gia cho rằng, trước hết phải bắt đầu từ việc nhận thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của các ngành CNVH trong sự phát triển bền vững đất nước.

Cùng với đó, cần tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển các ngành CNVH từ việc ban hành, sửa đổi các luật theo hướng thúc đẩy các ngành CNVH phát triển, đến những chính sách đãi ngộ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CNVH, thu hút được người tài đến với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng sản phẩm, dịch vụ CNVH đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa, tạo môi trường kích thích sáng tạo, đam mê đối với sự phát triển các ngành CNVH trong toàn xã hội.

Được biết, trong năm 2024, Nhà nước sẽ dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành CNVH để xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần phản ánh được vẻ đẹp của đất nước, con người, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, sự phát triển năng động và khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

CNVH đã trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển. Để đạt được mục tiêu giá trị gia tăng của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP vào năm 2030, thiết nghĩ, phát triển văn hóa và CNVH không phải nhiệm vụ của riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà cần huy động các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO