Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:17 GMT+7

Khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Học viện Biên phòng

Biên phòng - Ngày 24-2, tại Học viện Biên phòng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã có buổi làm việc phục vụ thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì buổi làm việc.

imgp2475
 Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Sao

Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BĐBP; những kết quả đạt được, khó khăn, bất cập, hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về BĐBP, Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng cho biết: Cơ bản Nhà nước ta đã phân định và ký kết hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu với các nước láng giềng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tình hình chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới đất liền tương đối ổn định nhưng tình hình chủ quyền khu vực biên giới biển có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp, khó lường. Sự ra đời của Pháp lệnh BĐBP đã tạo cơ sở pháp lý trực tiếp, quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BĐBP; xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị lâu dài với các nước láng giềng nhưng bên cạnh đó vẫn có những hạn chế nhất định...

Các ý kiến tham luận tại buổi làm việc phục vụ thẩm tra dự án Luật Biên phòng đã nêu bật ý nghĩa, sự cần thiết phải luật hóa các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, đảm bảo được vị trí, vai trò của lực lượng BĐBP trong cơ chế phối hợp thực thi nhiệm vụ, thực thi pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, phạm vi hoạt động ở khu vực biên giới. Các ý kiến đã nêu ra một số hạn chế bất cập của Pháp lệnh BĐBP so với Hiến pháp, với Luật và kiến nghị đề xuất về sự cấn thiết phải xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những ý kiến tham luận tâm huyết, chất lượng của đội ngũ cán bộ tại Học viện Biên phòng. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhấn mạnh, Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực của xã hội trên địa bàn biên giới, do đó, để Luật Biên phòng Việt Nam ra đời cần, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, nguyên tắc cơ bản về vị trí, chức năng của BĐBP; giải quyết được sự chồng chéo với các cơ quan đơn vị khác.

Quang Sao

Bình luận

ZALO