Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:08 GMT+7

Khát vọng đổi thay

Biên phòng - Miền biên viễn phía Tây xứ Quảng trên hành trình đổi thay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn dậy nhờ sự trợ lực từ những chính sách của Đảng, Nhà nước. Hàng loạt những chính sách dân tộc đã phát huy hiệu quả để đời sống đồng bào phát triển hơn xưa.

Đời sống người dân vùng cao Tây Giang đã đổi thay rõ rệt. Ảnh: Tiêu Dao

Đánh thức vùng gian khó

Ngày trước, những vùng đất phía Tây xứ Quảng như A Tiêng, A Xan, hay P’rao, A Vương... nghe chừng xa xôi, cách trở, nhưng giờ đã khác. Sự đổi khác ấy khiến nhiều người phải ngỡ ngàng khi con đường Hồ Chí Minh như một dải lụa vắt ngang dãy Trường Sơn này cùng với rất nhiều chương trình, dự án, các chính sách dân tộc được thực hiện và phát huy hiệu quả.

Những bản làng Cơ Tu trước đây ở trên sườn núi, không có đường giao thông nên việc đi lại rất khó khăn cho người dân cũng như trẻ em đi học. Đến nay, nhờ đóng góp rất lớn của công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, mọi chuyện đã khác. “Cuộc sống của chúng tôi khi về nơi ở mới sướng gấp 5 lần trước kia. Giờ đây, Nhà nước ưu tiên, dân mừng, dân mến, chỗ làng ở cũng đẹp. Dân ở đây tiện đủ thứ, gần trường học, khi đau ốm đi bệnh viện cũng tiện đường, xe. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, giờ có đường bê tông, có nhà Gươl, có nước sạch, nhân dân vui mừng, phấn khởi lắm!” - già làng Bhnước Bon, xã Dang, huyện Tây Giang bộc bạch.

Dưới những cánh rừng bao năm khốn khó, nhờ những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà đời sống người dân vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay đáng kể. Những chương trình quốc gia như “trợ lực” để đồng bào có cơ hội thoát nghèo, ổn định đời sống. Rất nhiều chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ đã đi vào hiện thực đời sống trên vùng miền núi như Chương trình 327, 135, Quyết định 1592 hay Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây nhất là các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi... là những chính sách thiết thực và đem lại hiệu quả nhất cho ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS. Tôi bắt đầu câu chuyện này với đẳng sâm hay ba kích tím, sản vật chẳng lạ ở vùng cao miền Tây xứ Quảng. Trong tâm thức nhiều người, trên những sạp hàng đơn sơ dọc đường Hồ Chí Minh, thứ hàng hóa giản dị của đồng bào DTTS với giá “rẻ như cho” ngày trước như đẳng sâm, ba kích tím lại nổi tiếng, trở thành cây... giảm nghèo.

Cây trái, sông suối vẫn như vậy không đổi thay, chỉ con người vùng cao từng ngày biết thích nghi, đơn giản là thay đổi tập quán sinh sống và đã biết làm ăn phát triển kinh tế. Người dân đã biết bắt những con suối hoang vu trong cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ “đẻ ra tiền”. Những vườn đẳng sâm, ba kích tím, cùng nhiều loại cây dược liệu khác là loại cây xóa nghèo, đặc sản vùng cao. Cây đẳng sâm và ba kích tím không còn rẻ nữa mà mang lại giá trị lớn, được thu mua tại vườn. Nhiều mảnh vườn đã trở thành vùng chuyên canh cây đẳng sâm và ba kích tím. Anh A Lăng Lơ, vừa là Trưởng thôn A Choong, vừa là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ch’ơm cho biết: "Với 1ha nương rẫy trồng lúa, mỗi năm, một vụ chỉ thu khoảng 2 tấn lúa, bán chừng 16 triệu đồng. Trong khi đó, với việc trồng cây đẳng sâm, 1ha cho thu hoạch khoảng 2 tấn sâm củ tươi, giá trung bình 200 nghìn đồng/kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng, lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa. Riêng ở xã Ch’ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó, thôn Achoong chiếm gần một nửa. Từ đó, đời sống bà con Cơ Tu khá lên dần".

Khát vọng đổi thay

Theo lãnh đạo huyện Tây Giang, đẳng sâm và ba kích tím đã góp phần thay đổi bộ mặt của địa phương và thay đổi nhận thức của người dân, phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho đồng bào Cơ Tu. Có lẽ, với những người dân Cơ tu nơi này đều không nói quá, bởi sản phẩm này đã có mặt trên các kệ hàng ở 20 siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sức bật của nông sản vùng cao, ngay ở đồng bằng không mấy nơi làm được.

Đồng bào Cơ Tu không chỉ thay đổi cách trồng, mà cán bộ hướng dẫn thêm về quy trình, mùa vụ thu hoạch. Và giờ nông sản không mang đi đổi lấy gạo, thổ cẩm không đổi lấy trâu bò nữa mà bán lấy tiền. Nông sản của họ được đóng bao bì, nhãn mác, rau củ quả được vận chuyển về xuôi tiêu thụ ngay ở trung tâm thành phố và cũng ít ai nghĩ, những loại hàng nông sản như măng rừng, tiêu, ớt Ariêu, đẳng sâm và ba kích tím... được xác nhận chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm, hay đăng ký sản phẩm OCOP.

Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân Tây Giang mạnh dạn trồng cây dược liệu phát triển kinh tế. Ảnh: Tiêu Dao

Nhưng bây giờ, họ đã làm được, những mảnh vườn được “quy hoạch” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu, từ tư duy sản xuất cũ kỹ, thói quen kinh tế thị trường len lỏi vào từng bản làng tự lúc nào không hay. Những gian hàng mùa lễ hội, dù sự kiện gì đi chăng nữa, nông sản hay đặc sản vùng cao luôn được bày biện, giới thiệu, thoát khỏi vòng luẩn quẩn “đổi rá rau lấy con cá”. Chính thói quen mua bán cũ của đồng bào làm họ bế tắc, kiếm đồng tiền quả quá xa vời, nhưng thứ gì bây giờ của họ cũng có thể bán, thậm chí giá cao.

Không phải ngẫu nhiên những mặt hàng nông sản của đồng bào Cơ Tu xứ Quảng khi về thành phố lại sống được, sống tốt giữa trùng vây sản phẩm nông nghiệp trong cơ chế thị trường mở. “Sản phẩm của mình là thật, chất lượng đảm bảo, không lừa dối khách hàng nên khi họ sử dụng sẽ yên tâm và quay trở lại. Người đồng bào có thói quen trồng cây hay chăn nuôi không sử dụng thuốc hóa học nên toàn sản phẩm sạch” - chị Cor Thị Nghệ, quản lý Hợp tác xã Rừng xanh rau sạch nói. Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang bảo rằng, người dân bây giờ đã và đang dần nắm chắc những lợi thế trong tay để biến thành sản phẩm đặc trưng, mang lại hiệu quả cao cho kinh tế, chính người dân đã đánh thức sức sống của những vùng đất tưởng chừng khô cằn.

Trên miền cao xứ Quảng, những khu tái định cư mới trên địa bàn các huyện như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang ven bên đường Hồ Chí Minh của tỉnh Quảng Nam sống động và đầm ấm. Cuộc sống của đồng bào nơi đây đang dần ổn định khi những ngôi nhà mới đã và đang được dựng lên, hệ thống giao thông, điện, nước sạch cũng đã được xây mới, có đất sản xuất, đồng bào tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi. Những thành công trong việc ổn định chỗ ở, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp tại chỗ cơ bản giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ, thu nhập bình quân đầu người của người dân có bước cải thiện và nâng cao. Bài toán xóa nghèo đang dần có lời giải.

Trong lộ trình của kế hoạch từ năm 2021-2030, Quảng Nam tiếp tục quan tâm đến hai lĩnh vực quan trọng là sắp xếp dân cư, gắn liền với bảo vệ rừng, phát triển cây dược liệu và giảm nghèo bền vững. Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có những cơ chế chính sách ban hành kịp thời để phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Đồng bào vùng cao tin tưởng rằng, với những chính sách mới của Trung ương, cùng với sự quyết tâm của tỉnh, chắc chắn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn.

Đi về phía núi, giữa một màu xanh thẳm, diện mạo vùng đồng bào miền biên viễn trên những cung đường phía Tây xứ Quảng đang dần đổi thay. Vẫn còn đó những mùa lễ hội với những những con người nặng tình với núi, nhưng vùng đất của những vũ điệu dâng trời đất đã mang một dáng hình khác cùng khát vọng vươn tầm.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO