Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 01:49 GMT+7

Khó khăn trong đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Biên phòng - Triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 (phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, đang giúp các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An có cơ hội hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các địa phương cũng đang gặp phải không ít khó khăn trong tìm cơ sở đào tạo, giáo viên đủ chuẩn để thực hiện tiểu dự án này.

Huyện Con Cuông liên kết với cơ sở giáo dục mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y cho nhân dân địa phương. Ảnh: Viết Lam

Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 là: Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiểu dự án hướng tới mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Đối với các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong..., địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, việc triển khai Tiểu dự án 3, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự mang lại cơ hội lớn để địa phương đào tạo nghề giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Bởi phần lớn những địa phương trên có điều kiện tự nhiên bất lợi, trình độ nhận thức, khả năng canh tác sản xuất của người dân chưa đồng đều. Trước đây, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn phụ thuộc nhiều vào khai thác lâm sản, phát rừng làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực, thực phẩm. Những năm gần đây, nhà nước đã có chủ trương “đóng cửa rừng” để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cùng với đó quá trình canh tác lâu năm khiến cho đất đai trên các rẫy dốc giảm độ phì nhiêu, trồng trọt không hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân là nhu cầu bức thiết để ổn định cuộc sống, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Nhiều người dân vùng cao Nghệ An phát triển kinh tế từ việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Viết Lam

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực phía Tây Nghệ An đã từ bỏ dần việc mưu sinh dựa vào khai thác lâm sản, đốt rừng làm nương rẫy để tìm cơ hội việc làm khác. Trong số đó, có rất nhiều người dân, nhất lao động trẻ chọn cách “ly hương” đến các tỉnh, thành phố khác để xin vào làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nông trường trồng cao su, cà phê. Khi nhận thấy nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương đã tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, nhà máy có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu cho nhân dân đến tìm việc làm. Cùng với đó, các huyện cũng tổ chức nhiều phiên chợ giới thiệu việc làm để tạo cơ hội cho nhân dân nắm bắt được thông tin, nhu cầu lao động của doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Nghệ An.

Khi đa số lao động trẻ ở các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An chọn cách đi làm công nhân, vẫn có không ít người tiếp tục gắn bó với quê hương tìm hướng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm để có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Nhờ triển khai Tiểu dự 3, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, họ được địa phương hỗ trợ tham gia các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Đồn Biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ nhân dân xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An con giống và kỹ thuật chăn nuôi dê để phát triển kinh tế. Ảnh: Viết Lam

Tuy nhiên, quá trình triển khai tiểu dự án trên, chính quyền địa phương vẫn ghi nhận những bất cập khiến cho kết quả chưa được như mong đợi. Trong đó nổi lên như việc ở địa phương không có đơn vị (trường nghề), giáo viên đủ năng lực đáp ứng theo quy định nên việc triển khai chậm, gặp nhiều khó khăn. Cụ thể tại các huyện như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong không có các trung tâm đào tạo nghề đáp ứng tiêu chuẩn. “Một số ngành nghề người dân có nhu cầu như chăn nuôi, thú y, đan lát, chúng tôi phải hợp đồng với các trường tại thành phố Vinh hoặc các tỉnh khác. Nhưng do thời gian đào tạo một khóa phải mất 3 tháng, cần tối thiểu 2 giáo viên nên những cơ sở đào tạo cũng không thể đáp ứng khi địa phương mở nhiều lớp.” - Ông Phan Thanh Hùng, Phó Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Con Cuông cho biết.

Qua tìm hiểu cho thấy, có rất nhiều nghệ nhân các ngành dệt thổ cẩm, đan lát tại địa phương đủ khả năng, tâm huyết để dạy nghề cho nhân dân. Tuy nhiên chính quyền địa phương không thể tổ chức lớp cho họ dạy nghề vì những nghệ nhân trên không có chứng chỉ sư phạm.

Viết Lam

Bình luận

ZALO