Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:35 GMT+7

Kho tư liệu quý về Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam

Biên phòng - Thực hiện đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã sưu tầm được hàng trăm tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến hoạt động báo chí của Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm trọng thể 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức triển lãm "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam" với hơn 200 bức ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật gốc có giá trị lần đầu tiên được công bố.

5a87_8a-1.JPG
Hướng dẫn viên giới thiệu quá trình làm báo gắn với hoạt động cách mạng của Bác khi còn ở nước ngoài.

Ngay ngày đầu khai mạc triển lãm "Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam", đã thu hút đông đảo người xem. Mặc dù không gian hẹp, những hiện vật, tài liệu trưng bày còn khiêm tốn so với cuộc đời làm báo của Người, song với 3 nội dung chính: Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam; hoạt động báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh; báo chí Việt Nam học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; triển lãm thực sự đã đem đến cho người xem một cái nhìn tương đối có hệ thống về Nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh; khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng to lớn của Người trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong không gian trưng bày với chủ đề “Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và hoạt động báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh”, người xem được tận mắt chiêm ngưỡng những bức ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về cuộc đời làm báo gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, từ khi Người bắt đầu làm cách mạng (tháng 6-1911) đến khi Người về cõi vĩnh hằng (tháng 9-1969). Người đã sáng tập và điều hành tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) nổi tiếng ngay trên đất Pháp. Sau khi hoạt động tại Pháp và Nga, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, Người đã về Quảng Châu, Trung Quốc và sáng lập ra tờ Thanh niên, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925 để tuyên truyền cách mạng Việt Nam và trực tiếp viết bài, sửa bài và cùng các nhà cách mạnh tiền bối in báo, phát hành về Việt Nam. Dưới sự kiểm soát gắt gao của thực dân, đế quốc, báo Thanh niên chỉ ra được 88 số nhưng đã thực hiện sứ mệnh là tờ báo đầu tiên của dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Và ngày 21-6, cũng là ngày được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định chọn làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam.

Bước sang gian trưng bày mang chủ đề "Báo chí Việt Nam học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh", người xem lại vô cùng xúc động trước những tác phẩm, ảnh, hiện vật, tư liệu thể hiện tâm tư, tình cảm, quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đội ngũ báo chí để luôn "rèn đức, luyện tài, tâm sáng, bút sắc" theo phong cách làm báo của Người.

Đặc biệt, tại triển lãm "Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam", người xem được tận mắt chiêm ngưỡng những tư liệu, hiện vật gốc có giá trị lần đầu tiên được công bố như: Bức ảnh Bác Hồ đánh máy chữ năm 1950, có chữ ký và triện của Bác tặng cho nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn; bài trả lời phỏng vấn 4 tờ báo của Nhật Bản có bút tích biên tập của Bác Hồ; một số bản bút tích, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí... Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập 48 bức ảnh về các cuộc tiếp xúc làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo chí nước ngoài hoặc hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang bìa một số báo, tạp chí nước ngoài.

Toàn bộ các hiện vật, tư liệu, ảnh được trưng bày tại triển lãm của Hội Nhà báo Việt Nam là do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí như: Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam; các nhà sưu tầm như: Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan, nhà báo Đặng Minh Phương, nhà báo Nguyễn Trung Thành trao tặng...

Chia sẻ về ý tưởng tổ chức triển lãm, cũng như quá trình thu thập tư liệu, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói cán bộ làm báo cũng là chiến sĩ cách mạng, tờ giấy, cây bút là vũ khí của họ. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Người luôn cổ vũ động viên người làm báo thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ kinh nghiệm làm báo tích lũy được để các thế hệ làm báo tiếp tục học tập và làm theo phong cách làm báo của Bác. Đồng thời, những nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam cho thấy, với trên 2.000 bài báo và gần 200 bút danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn và người thầy của các thế hệ nhà báo Việt Nam.

Những tác phẩm báo chí mà Bác để lại là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản của Người đối với cách mạng Việt Nam, những di sản chính trị, văn hóa vô giá đó cần được tôn vinh một cách quy mô đầy đủ và sâu sắc cho chúng ta và các thế hệ mai sau. Đây chính là lý do mà các cán bộ của Hội Nhà báo Việt Nam đã lăn lộn, liên hệ khắp nơi để sưu tầm, tìm hiểu những cống hiến và các tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh một cách tương đối đầy đủ, sâu sắc, khoa học và có hệ thống; cũng như việc tập hợp, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu cho công chúng.

Tuy nhiên, với hơn 200 hiện vật, tư liệu, ảnh được trưng bày chưa thể tái hiện được đầy đủ quá trình đến với báo chí và làm báo của Bác một cách chuyên nghiệp, hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng làm báo hết sức tiến bộ, năng động, hiện đại, chuyên nghiệp trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người.

Song, thông qua triển lãm, thông điệp mà Hội Nhà báo Việt Nam muốn gửi gắm ở đây là các nhà báo hãy tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách làm báo của  Bác Hồ, theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18-5 đến 21-6-2015, tại Hội Nhà báo Việt Nam, Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hoa Hạ

Bình luận

ZALO