Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 06:06 GMT+7

Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng:

Khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng

Biên phòng - Cứ 5 năm, Bộ Quốc phòng lại tổ chức trao giải cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang (LLVT) và chiến tranh cách mạng (CTCM). Giai đoạn 5 năm (2014 - 2019) ghi nhận sự “nở rộ” các tác phẩm viết về đề tài này. Giải thưởng đã góp phần động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, các tác giả trong và ngoài quân đội tiếp tục phát huy khả năng, trách nhiệm, trí tuệ, tình cảm của mình, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng tốt phục vụ bộ đội và nhân dân cả nước.

splz_9a
Tiết mục hát múa “Chúng tôi Bộ đội Cụ Hồ”, sáng tác Trần Quốc Đạt, tại lễ trao giải.  Ảnh: Thanh Thuận

Những năm qua, việc tổ chức, thực hiện hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai đã quy tụ được sự đồng thuận của các ngành, các cấp; thu hút các văn nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhiều thành phần trong xã hội tham gia. 

Đến nay, Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT và CTCM 5 năm của Bộ Quốc phòng đã trải qua 6 lần trao giải. Qua cuộc vận động sáng tác, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có giá trị nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao, hướng đề tài LLVT và CTCM làm trung tâm, khắc họa rõ nét hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" qua các cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền Quốc phòng toàn dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá đã đưa các giá trị đó đến với bộ đội và có sức lan tỏa sâu, rộng trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân ta. 

Với Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT và CTCM 5 năm (2014 -2019), từ ngày 15-6 đến ngày 15-9-2019, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 2.298 tác phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến tham dự xét giải thưởng, trong đó, gồm 340 tác phẩm văn học, 415 tác phẩm âm nhạc, 58 tác phẩm múa, 30 tác phẩm sân khấu, 65 tác phẩm điện ảnh, 415 tác phẩm mỹ thuật, 708 tác phẩm nhiếp ảnh và 191 tác phẩm báo chí. Qua thẩm định, có 194 tác phẩm được xét tặng giải thưởng, trong đó có 19 giải A, 43 giải B, 60 giải C và 72 giải Khuyến khích. 

Những giải thưởng cho thấy sự “lên ngôi” của các tác phẩm về cảm hứng yêu nước và CTCM, tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hi sinh quả cảm, tình cảm quân dân thắm thiết trong chiến đấu, sản xuất và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Lĩnh vực văn học, có thể kể đến tập nghiên cứu, phê bình “Văn nghệ với người lính và thời cuộc” của tác giả Đinh Xuân Dũng; cuốn tiểu thuyết “Mưa đỏ” của tác giả Chu Lai; tập hồi ức “Mùa chinh chiến ấy” của tác giả Đoàn Tuấn...

Về loại hình múa, những tác phẩm có quy mô hoành tráng với hình tượng người chiến sĩ được khắc họa thật gần gũi mà rõ nét, tiêu biểu như: Múa “Mắt lá” (biên đạo: Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hồng Phong, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); múa “Cung trầm biển sâu” (biên đạo: Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Cúc Phương, Đoàn Văn công Hải quân); múa “Đò ngang” (biên đạo: Nguyễn Tiến Thanh, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội)...

Với loại hình âm nhạc, sống động hơn là thể loại ca khúc đã gặt hái được nhiều thành công, có những ca khúc đã đi vào đời sống của chiến sĩ và công chúng như: “Những bông hoa hỏa tuyến” (nhạc: Đức Trịnh, lời: Lê Cảnh Nhạc), “Tượng đài chiến thắng” (sáng tác: Nguyễn Xuân Thủy), “Thênh thang đường mới” (sáng tác: Hồ Trọng Tuấn), “Nơi tình yêu bắt đầu” (nhạc: Phạm Anh Thông, thơ: Nguyễn Hồng Sơn), nhạc kịch “Lá đỏ” (sáng tác: Đỗ Hồng Quân), giao hưởng “Thạch Hãn cổ thành” (sáng tác Nguyễn Xuân Vũ), hợp xướng “Tiếng gọi tự hào” (sáng tác: Dương Bích Hà)...

Loại hình mỹ thuật và nhiếp ảnh đã thật sự tạo nên một bước tiến lớn trong thể hiện nhân vật trung tâm - Bộ đội Cụ Hồ. Tiêu biểu như: Tác phẩm điêu khắc “Bầu trời Hà Nội”, tác giả Vũ Quang Sáng; “Đại thắng mùa xuân 1975”, tác giả Hoa Bích Đào; “Đưa nước ngọt ra đảo Bình Ba”, tác giả Đặng Thị Dương...

Còn các tác phẩm nhiếp ảnh đã kịp thời khắc họa hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ trong đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Tiêu biểu như: Tác phẩm ảnh nghệ thuật “Ra khơi”, tác giả Trọng Thiết, Báo Hải quân; phóng sự ảnh “Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam làm theo lời Bác”, tác giả Nguyễn Trung Trực, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; “Những ánh sao trong mưa lũ”, tác giả Trịnh Phú Sơn, Báo Quân đội nhân dân...

Về điện ảnh, với đề tài phong phú, hầu hết các tác phẩm đều mang tính thời sự, tính nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa chính trị và hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Tiêu biểu như: phim Tài liệu “Chư Tan Kra”, Phim truyện “Thầu Chín ở Xiêm”, phim Khoa học “Nuôi cấy tinh tử trong điều trị vô tinh nam”. 

Ở thể loại sân khấu, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa khá đa dạng, tiêu biểu trong số đó là vở diễn “Khi con tốt sang sông” của Nhà hát Kịch nói Quân đội; vở chèo “Người chiến sĩ năm xưa” của Nhà hát Chèo Quân đội; kịch dân ca xứ Nghệ “Hoa lửa Truông Bồn” của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ...

Ở thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình, đã có một số tác phẩm đi sâu phân tích, làm rõ những luận cứ để phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch như: Loạt 2 bài (báo in): “Nghiêm trị những kẻ giả danh, mạo danh quân đội”, tác giả Phạm Văn Huấn - Nguyễn Văn Minh, Báo Quân đội nhân dân. Loạt 3 bài (báo in): “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong quân đội”, tác giả: Song Hà - Trần Quyết - Trương Định, Báo Nhân dân. Loạt 3 bài (báo điện tử): “Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế-chức năng cơ bản, nhiệm vụ xuyên suốt của quân đội”... Cũng có tác phẩm khai thác, phát huy thế mạnh của công nghệ, sinh động, thu hút người nghe, như tác phẩm (phát thanh) “Hành trình xóa bản trắng đảng viên ở Trung Lý”, tác giả Nguyễn Thị Hòa, Ban Dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam...

Có thể nói, đề tài LLVT và CTCM vẫn luôn là mảnh đất thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng; đồng thời, cũng khẳng định tình cảm, trách nhiệm của các văn nghệ sĩ, các nhà báo đối với nền văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nhạc sĩ Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP đã được nhận Giải C, Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT và CTCM 5 năm (2014 - 2019) với tác phẩm “Tiếng hát từ cột mốc ba biên” cho biết: “Tôi rất tự hào khi là đại diện của lực lượng BĐBP nhận giải tại lễ trao giải. Tác phẩm “Tiếng hát từ cột mốc ba biên” được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp biên cương hùng vĩ, trong đó có một địa danh đặc biệt, nơi mà “tiếng gà cất lên 3 nước đều nghe thấy”, đó là ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia tại cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum. Tác phẩm ca ngợi tình cảm láng giềng hữu nghị, đoàn kết của lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Đây cũng là trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong lực lượng BĐBP trong việc gìn giữ những miền đất thiêng liêng ấy”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO