Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:18 GMT+7

Khoảng trống trong thực thi chính sách

Biên phòng - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành hơn 4 năm, nhưng đến thời điểm này, chưa tới 8% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, thậm chí 51,3% doanh nghiệp không biết đến luật này. Những con số này phản ánh khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực thi, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, công nghệ, thị trường, tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực...

90% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất cần sự hỗ trợ để phục hồi sau giai đoạn bị “bào mòn” vì đại dịch Covid-19. (Anh minh họa)

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp. Trước tình trạng lạm phát toàn cầu, giá cả hàng hóa leo thang, chuỗi cung ứng bị đứt gãy…, 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất cần sự hỗ trợ để phục hồi sau giai đoạn bị “bào mòn” vì đại dịch Covid-19.

Tiếp cận tín dụng là một chế tài quan trọng được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đây chính là một trong những thách thức lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, các chính sách tài chính, tín dụng từ năm 2020 tới nay chủ yếu là hỗ trợ khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19. Nhưng các ngân hàng thương mại không chủ động thực hiện việc tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.

Việc cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không thực hiện được do thiếu cơ chế và ngân hàng e ngại rủi ro mất vốn; việc thành lập tổ tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm vẫn chưa thực hiện vì chưa có cơ chế thích hợp. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn và thiếu cơ chế an toàn vốn nên không có nhiều khả năng cấp bảo lãnh tín dụng.

Thế nên, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được kênh tài chính chính thống. Trong số 3/4 doanh nghiệp còn lại chưa tiếp cận được tín dụng thì lý do hàng đầu (80% doanh nghiệp) là do họ không có tài sản thế chấp. Khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những nguồn cho vay khác hoặc cầm cố, bán tài sản để cầm cự trong đại dịch. Thậm chí, 4% doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn “tín dụng đen” với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất trung bình của các tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia tài chính lưu ý, việc các tổ chức tín dụng yêu cầu tài sản bảo đảm, thế chấp thường là đất đai và tài sản gắn liền với đất vô hình trung đã tạo ra rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Bởi chỉ có 42,9% doanh nghiệp tư nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang dùng để kinh doanh.

Đây thực sự là một cái vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng, sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc bỏ lỡ các cơ hội đầu tư, không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn về vốn cũng chính là rào cản khiến đề án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai hơn 1 năm qua chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong số gần 400.000 doanh nghiệp được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, mới có 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số. Do nguồn lực còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp không thể triển khai, ứng dụng công nghệ số.

Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm phục hồi, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới giai đoạn sau Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, kết nối các nguồn tài chính và thị trường của doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bổ sung các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; điều chỉnh các quy định về hỗ trợ tín dụng, ngân hàng phù hợp với tình hình thực tế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp nhận vốn vay và thực hiện nghĩa vụ tài chính, góp phần đưa luật thực sự đi vào cuộc sống.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO