Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 09:58 GMT+7

Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch ở vùng biên giới Mường Nhé

Biên phòng - Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, có những điểm tham quan hấp dẫn, cùng nhiều di sản văn hóa độc đáo của 10 dân tộc sinh sống trên địa bàn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Cột mốc ngã ba biên giới - điểm đến yêu thích của du khách khi đến Mường Nhé. Ảnh: Phương Liên

Huyện miền núi, biên giới Mường Nhé được biết đến là nơi có cột mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc; có lối mở A Pa Chải - Long Phú, với nhiều dãy núi cao như: Khoang La San, Pu Pá Kun, Ta Long San, Phú Tu Na cùng nhiều thác nước hùng vĩ, rừng nguyên sinh bạt ngàn. Nổi bật là Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là một trong những khu dự trữ, bảo tồn thiên nhiên lớn nhất tại Việt Nam, có tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú.

Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé có diện tích khoảng 45.500ha, trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè. Tại đây có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh đang được bảo tồn nguyên vẹn với hệ sinh thái rừng phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, là nơi lưu giữ nguồn gen của nhiều loại động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Trong Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé còn có nhiều điểm check-in đẹp như hệ thống suối, thác, những cánh rừng già rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái. Du khách sẽ không thể quên được trải nghiệm thú vị đi bộ trong rừng để khám phá những cảnh đẹp hoang sơ mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này, đặc biệt là cảnh đẹp huyền bí của đầu nguồn suối Păm Pơi.

Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn, mang đặc trưng của huyện biên giới, Mường Nhé có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, điển hình là cột mốc ngã ba biên giới trên đỉnh Khoang La San thuộc xã Sín Thầu, cách trung tâm huyện 70km. Công trình cột cờ Tổ quốc cao hơn 45m vừa được khởi công xây dựng tại cực Tây, nằm trên đường lên cột mốc ngã ba biên giới - A Pa Chải. Cùng với đó là lối mở A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, cách trung tâm huyện khoảng 56km về phía Tây đang nâng cấp lên cửa khẩu song phương trong năm 2025. Khu tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ cách trung tâm huyện khoảng 30km, được Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư xây dựng lại năm 2016 để tưởng nhớ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Thọ, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình vì cuộc sống, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc nơi vùng cao biên giới; người cán bộ Biên phòng tiêu biểu trong vận động đồng bào Hà Nhì giữ đất, giữ làng, giữ biên giới và làm quen với kỹ thuật trồng lúa nước.

Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ, Mường Nhé là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở đây còn các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn của dân tộc Mông, nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì ở các xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Chung Chải. Bên cạnh đó, Mường Nhé có nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu như: Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé được duy trì tổ chức vào trung tuần tháng 9 hằng năm; Tết Khụ sự chà - Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; Tết hoa mào gà của dân tộc Cống; lễ mừng cơm mới, lễ cúng bản của dân tộc Si La; lễ cúng tổ tiên của ngành Thái trắng; lễ hội ăn lá lúa của dân tộc Kháng; Tết cổ truyền của dân tộc Mông, chợ phiên Nậm Pồ... đã tạo ra nhiều tiềm năng cho hoạt động du lịch trải nghiệm.

Tính đa dạng, phong phú của các giá trị văn hóa của các dân tộc nơi ngã ba biên giới này đã tạo nên sức hút cho phát triển du lịch. Không những vậy, đến với các bản của dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái... ở Mường Nhé, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào nơi đây; được tham gia trải nghiệm làm bếp với các món cải muối, củ cải muối khô, rau cải nương muối khô, rau cải muối khô nấu với thịt, cá, canh cá nấu rau chua, món chua tổng hợp, đồ uống từ hạt thảo quả, rễ cỏ tranh và uống chè rừng có hương vị thơm ngon.

Khách du lịch cũng có cơ hội được trải nghiệm nghề chế tác khèn của dân tộc Mông ở bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé; nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở xã Sín Thầu; trải nghiệm ngủ trong những căn nhà truyền thống của dân tộc Hà Nhì hay nhà sàn của dân tộc Thái mang lại cảm giác tuyệt vời, khó quên cho du khách khi đặt chân đến với Mường Nhé.

Hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nên lượng khách đến với Mường Nhé đang tăng dần. Nếu năm 2022, huyện Mường Nhé đón 4.000 lượt du khách thì năm 2023 đã tăng gấp 3 lần, lên 12.000 lượt.

Có thể thấy, khai thác lợi thế cảnh quan và sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch ở huyện Mường Nhé thực sự là cú hích cho công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhằm tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được huyện Mường Nhé ban hành, trong đó có dự án phát triển du lịch cộng đồng bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu. Các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, các di tích lịch sử, các di sản văn hóa phi vật thể đã được khảo sát, phục dựng, khai thác cùng với việc phát triển các dịch vụ du lịch đang từng bước thu hút nhiều du khách. Hiện nay, một số tour du lịch gắn với điểm đến Mường Nhé đã hình thành, tạo nên chuỗi hành trình du lịch Điện Biên - Mường Nhé.

Bằng nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài, Mường Nhé đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, chuyên nghiệp, góp phần đồng hành cùng với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.

Phương Liên

Bình luận

ZALO