Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 05:10 GMT+7

Khởi sắc nông thôn mới ở Hợp Thành

Biên phòng - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi có dịp về vùng ngoại ô thành phố biên cương Lào Cai tận mắt “mục sở thị” một vùng quê của đồng bào Tày, Giáy, Xa Phó... đang dần khởi sắc từ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bà con dân tộc Giáy ở thôn Kíp Tước làm hương chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Ẩnh: Lê Thanh Cường

Tuyến đường vào thôn văn hóa Kíp Tước, xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) hôm nay nhộn nhịp hơn hẳn, bởi đồng bào nơi đây đang chuẩn bị làm hương để phục vụ Tết Nguyên đán. Không chỉ làm ra sản phẩm dùng trong các gia đình người Giáy, nghề làm hương truyền thống còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Hợp Thành đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống kinh tế - xã hội.

Vừa nhanh tay lăn bột hương vào thân cây hương, bà Phùng Thị Thẻng, dân tộc Giáy ở thôn Kíp Tước vui vẻ tâm sự với khách: Gia đình tôi luôn duy trì nghề làm hương, mỗi dịp gần Tết cổ truyền, tranh thủ ngày nắng ráo, gia đình tôi làm số lượng nhiều hơn để bán tại chợ phiên Hợp Thành vào sáng Chủ nhật hằng tuần, cũng như phục vụ nhu cầu của các gia đình trong xã, một số địa phương khác...

Hiện tại, xã Hợp Thành có gần 100 hộ vẫn duy trì nghề truyền thống làm hương để dùng trong gia đình và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã vận động, tuyên truyền bà con gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập, vừa để xây dựng thành nơi trải nghiệm sắc màu văn hóa của đồng bào Giáy, Tày khi khách du lịch đến Hợp Thành tham quan, nghỉ dưỡng.

Không chỉ có nghề làm hương, ở Hợp Thành, bà con người Tày, Giáy còn duy trì nghề làm cốm, trở thành sản phẩm đặc sắc, gắn với văn hóa truyền thống, chợ phiên. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, nghề làm cốm đã tạo cho Hợp Thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khi duy trì tổ chức lễ hội “Hương cốm Hợp Thành” thường niên; gắn với các cuộc đua xe đạp trải nghiệm mùa lúa chín ở Hợp Thành...

Những năm gần đây, xã Hợp Thành đã có nhiều khởi sắc. Bức tranh kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới có nhiều gam màu tươi sáng. Xuất phát điểm là một xã nghèo, nhưng đồng bào các dân tộc trong xã đã đoàn kết vươn lên, tích cực lao động sản xuất, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Với nỗ lực đó, Hợp Thành là 1 trong 2 xã đầu tiên trong cả nước xin rút ra khỏi danh sách xã nghèo - không hưởng lợi từ Chương trình 135. Tiếp tục thực hiện khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, đồng bào Tày, Giáy, Xá Phó ở vùng cao Hợp Thành đã thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội hằng năm, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Người dân Hợp Thành tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Lê Thanh Cường

Ông Lại Thái Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành phấn khởi cho biết: Năm 2023, xã Hợp Thành đã được phân bổ gần 7 tỷ đồng từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo và các tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Tổ quản lý cộng đồng. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của các Tổ quản lý cộng đồng tại các thôn. Từ đó, nâng cao được vai trò tầm quan trọng trong cộng đồng dân cư, từ khâu khảo sát nhu cầu đầu tư, lựa chọn nội dung, dự án và đề xuất hạng mục để đầu tư xây dựng.

Đến nay, diện mạo nông thôn của xã Hợp Thành đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước nâng lên, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/năm. Từ năm 2021-2023, toàn xã đã huy động xã hội hóa để xóa trên 90 ngôi nhà tạm cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả được xây dựng như phát triển du lịch cộng đồng tại homestay Xuân Diện, mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nông Văn Dò ở thôn Nậm Rịa, ông Lù Văn Tuấn ở thôn Bắc Công... Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa; hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời được lắp đặt gần 300 bóng trải đều các thôn trên toàn địa bàn xã. Các công trình như trường học, nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi, đường giao thông liên xã, trục xã và hệ thống điện chiếu sáng công cộng, xây dựng kè hai bên bờ suối, đường nội đồng... đang được quan tâm đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nông Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò người uy tín, già làng, các tổ tuyên vận tại các thôn trong vận động người dân tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu tài sản trên đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ bản. Năm 2023, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân trong xã đã hiến trên 20 nghìn mét vuông đất để thực hiện các dự án, tiêu biểu như nhân dân các thôn Nậm Rịa, Cáng 1, Cáng 2.

Bước vào năm 2024, tiếp tục chặng đường xây dựng và phát triển vùng quê ven đô thành phố Lào Cai theo hướng bền vững, nhân dân các dân tộc xã Hợp Thành sẽ đoàn kết, cố gắng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đưa các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng xã trở thành xã trọng điểm về du lịch sinh thái vùng ven của thành phố.

Ông Lại Thái Kiên chia sẻ: Địa phương sẽ tập trung phát huy hơn nữa yếu tố nội lực, tranh thủ tốt nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tạo nguồn lực cộng hưởng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, xây dựng nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống cho nhân dân. Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, xã Hợp Thành phấn đấu hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Lê Thanh Cường

Bình luận

ZALO