Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:30 GMT+7

Khởi sắc thị trường lao động

Biên phòng - Trong 9 tháng năm 2023, thị trường lao động tiếp tục phục hồi khi số lao động có việc làm cả nước đạt 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ghi nhận 2,28% (1,07 triệu người), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), những kết quả tích cực trên là nhờ các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, chương trình đề án về lao động - việc làm trong Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030.

Theo đó, các giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm. Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục được nâng cao.

Đặc biệt, chỉ qua 9 tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 111.500 người đã vượt chỉ tiêu 101,37% kế hoạch của cả năm 2023, tạo điểm nhấn tích cực trong công tác tạo việc làm. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (103,7 nghìn/71,8 nghìn doanh nghiệp) góp phần quan trọng tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Ghi nhận thị trường lao động, việc làm đang có sự phục hồi khi nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm đều tăng, các chuyên gia lao động lạc quan khi hệ thống dữ liệu thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp đang ghi nhận 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động. Các nhóm ngành với nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính, ngân hàng - bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; điện tử, máy tính...

76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 sẽ giữ ổn định và tốt hơn so với quý III/2023 khi tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dù đã phục hồi tích cực vẫn còn khó khăn trong những tháng cuối năm, bởi nhu cầu thị trường trong nước thấp và các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam giảm chi tiêu mua sắm, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Đây chính là áp lực lên thị trường lao động vì nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... chưa có nhu cầu tăng thêm việc làm.

Mặt khác, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Hiện cả nước có khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên, chỉ 26,4% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ; lao động phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Trong khi các doanh nghiệp tuyển dụng cũng đòi hỏi ngày một cao từ ứng viên tìm việc trong giai đoạn tái cấu trúc và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, người lao động phải tự nâng cấp bản thân để phù hợp với tình hình mới. Vì đầu vào việc làm khó hơn nhưng công việc người lao động nhận được sẽ tốt, thu nhập cao hơn. Đây là bước đột phá về tư duy, là cơ sở quan trọng để không nhìn thị trường lao động chỉ dưới góc độ an sinh mà như một yếu tố quyết định của mô hình tăng trưởng bền vững.

Cùng với các giải pháp phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, thiết nghĩ Bộ LĐTBXH cần thúc đẩy các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, tác phong, kỷ luật cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO