Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 08:34 GMT+7

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer

Biên phòng - Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 35%). Những năm qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, Cầu Ngang đã triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xây dựng cầu, đường, nhà văn hóa, công trình nước sinh hoạt... Qua đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây được đổi mới, kinh tế từng bước được nâng lên, hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm đều giảm và đạt chỉ tiêu so với nghị quyết, kế hoạch đề ra.

Đường giao thông nông thôn ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình 135, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Ảnh: Phương Nghi

Cầu Ngang đang đổi thay từng ngày

Long Sơn là xã thuộc huyện Cầu Ngang có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 50,3%). Trong những ngày này, đến Long Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những tuyến đường hoa rực rỡ, đủ sắc màu. Các tuyến đường trục chính của xã không chỉ được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ, mà còn được điểm tô bởi những bông hoa nhiều màu sắc làm cho bức tranh làng quê đầy sức sống.

Ông Danh Khenl, ở ấp Sóc Mới, xã Long Sơn phấn khởi nói: “So với trước đây, hiện nay, đời sống của đồng bào Khmer đã đổi thay rất nhiều. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm thông thoáng; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; y tế, giáo dục phát triển vượt bậc. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer trên địa bàn đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Long Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ và là xã cuối cùng của huyện Cầu Ngang hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, được công nhận cuối năm 2022. Điều này không chỉ đem đến cho Long Sơn luồng sinh khí mới, mà còn là đòn bẩy phát triển bền vững mọi mặt trong những năm tiếp theo. Ông Lê Hùng Nhân, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và cứng hóa, đời sống người dân ngày càng khấm khá nhờ phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp; 94,5% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, hộ nghèo chỉ còn 1,93%.

Hiệu quả từ chính sách dân tộc

Ngoài các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện Cầu Ngang tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ chính sách dân tộc về nhà ở, đất ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hàng ngàn lượt hộ Khmer được ưu đãi chính sách vay vốn chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Bà Danh Thị Sa Phy, ấp Chùa Mới (xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang) từng là hộ nghèo; nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện, năm 2018, gia đình bà được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách ưu đãi được 40 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Từ độc canh cây lúa, gia đình bà Sa Phy chuyển sang trồng màu và nuôi bò sinh sản. Nhờ cây màu cho lợi nhuận cao gấp 4-5 lần so với cây lúa, cùng với nguồn thu nhập từ chăn nuôi nên kinh tế gia đình bà ngày càng phát triển, xây dựng được nhà khang trang. Đến năm 2021, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Danh Thị Sa Phy (ngoài cùng, bên trái) đã triển khai mô hình trồng ớt, giúp gia đình bà thoát nghèo. Ảnh: Phương Nghi

Bà Sa Phy vui vẻ cho biết: “Với 3.000m2 đất canh tác, gia đình tôi trồng 1 vụ ớt chỉ thiên, 1 vụ đậu đũa và 1 vụ lúa. Lợi nhuận trồng màu đạt từ 30-50 triệu đồng/vụ, trồng lúa chủ yếu lấy rơm rạ nuôi 3 con bò sinh sản. Nhận thấy lợi nhuận trồng ớt gấp nhiều lần so với trồng lúa nên vụ ớt năm nay, gia đình tôi thuê thêm 2.000m2 đất để trồng loại cây này”.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Ngang cho biết: Những năm qua, từ các nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng của Trung ương, của tỉnh và địa phương đã kịp thời hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, thực hiện dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, huyện đã hỗ trợ trên 10,7 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền trên 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer nghèo.

Thực hiện Nghị quyết số 6-NQ/TU, ngày 8/10/2021 của Tỉnh ủy Trà Vinh về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Cầu Ngang được tỉnh phân bổ từ nay đến năm 2025, đầu tư hơn 92,86 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương, tỉnh là 62,28 tỷ đồng; vốn vay tín dụng chính sách trên 30,48 tỷ đồng thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: Giai đoạn 2021-2025, địa phương giải quyết nhu cầu cấp thiết của các hộ dân tộc thiểu số, trong đó, hỗ trợ đất ở cho 42 hộ; nhà ở cho 360 hộ; chuyển đổi nghề cho 164 hộ; nước sinh hoạt cho 121 hộ; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng.

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần tạo đà cho đồng bào các dân tộc Khmer ở Cầu Ngang vươn lên khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh, đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO