Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 04:42 GMT+7

Không chủ quan, lơ là, cần chủ động, linh hoạt trong ứng phó bão số 1

Biên phòng - Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An để chỉ đạo ứng phó với bão số 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Bích Nguyên

Bão số 1 có sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 17/7, tâm bão số 1 ở 20,0 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/giờ; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 107,5-115,5 độ Kinh Đông. Dự kiến đổ bộ vào đất liền từ Quảng Ninh - Thái Bình vào chiều tối ngày 18/7.

Trên biển, từ chiều và tối nay (17/7), khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông cao 5-7m; Bắc Vịnh Bắc Bộ cao 3-5m; ven biển từ Quảng Ninh - Nam Định cao 2-4m.

Trên đất liền, từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9.

Từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, Bắc Bộ mưa 200-400mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa và Nghệ An mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa ở Bắc Bộ có thể kéo dài.

Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh BĐBP tính đến 6 giờ ngày 17/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.188 tàu/226.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh.

Trong đó, hoạt động trong khu vực vịnh Bắc Bộ là 1.847 tàu/9.270 người; khu vực khác là 3.829 tàu/26.063 người và hơn 46.400 tàu/190.850 người neo đậu tại các bến.

Theo Bộ Tư lệnh BĐBP, hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

Bộ Giao thông vận tải, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 553 tàu biển và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.

Cuộc họp được kết nối với các tỉnh, thành địa phương ven biển và đất liền nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 1. Ảnh: Bích Nguyên

Các địa phương chủ động ứng phó

Báo cáo tại cuộc hợp, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong 2 ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản và kiểm tra tại các địa phương để chuẩn bị tốt nhất phòng, chống bão số 1.

Hiện, Quảng Ninh bố trí trên 1.000 người ứng trực để xử lý các tình huống xảy ra do bão số 1. Ngoài ra, còn có 1.000 người thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ Chỉ huy Quân sự và các lực lượng khác sẵn sàng ứng trực.

Ông Diện cho biết, toàn tỉnh Quảng Ninh có 6.000 tàu, trong đó 231 tàu xa bờ đã vào tới khu vực an toàn.

Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ninh có 14.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản, hiện đã kiểm soát, chằng néo, bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ.

“Toàn bộ người già, trẻ nhỏ trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được đưa vào vùng an toàn” - ông Diện cho biết.

Ông Diện cho biết thêm, từ 12 giờ trưa nay, tỉnh Quảng Ninh sẽ dừng tất cả các hoạt động ra khơi. Hơn 4.000 khách du lịch ở các đảo sẽ về bờ trước khi bão đổ bộ. Với số khách ở lại đảo, địa phương sẽ bố trí nơi nghỉ và ổn định tình hình.

Tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động các phương án ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu sau bão.

Tại thành phố Hải Phòng, tính tới 5 giờ sáng 17/7, các cơ quan chức năng đã liên lạc với 1.918 phương tiện/6.014 người đang hoạt động trên biển, trong đó có 45 phương tiện hoạt động ngoài khơi. Hiện, 1.314 phương tiện đã về đậu trong các cảng.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, hiện tại đảo Bạch Long Vĩ có 27 phương tiện đang neo đậu trong âu thuyền, còn 8 phương tiện hoạt động cách đảo 1-5 hải lý và vẫn trong tầm kiểm soát.

Tại khu vực Cát Bà có 45 tàu du lịch đang hoạt động và 156 ô lồng nuôi trồng thủy sản. Hiện, còn 9.600 lượt khách đang lưu trú trên đảo. Địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động khách về đất liền trong ngày. Đối với số khách ở lại, địa phương sẽ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.

Ông Thọ cho biết, Hải Phòng sẽ cấm biển từ 21 giờ ngày hôm nay. Từ 12 giờ trưa 17/7, mọi hoạt động du lịch sẽ dừng.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Kạn - địa phương được dự báo sẽ hứng chịu đợt mưa lớn và có khả năng xảy ra sạt lở cao đã chủ động các phương án ứng phó. Địa phương này được dự báo có khoảng hơn 300 điểm có nguy cơ sạt lở cao nên đã sẵn sàng huy động lực lượng xung kích với nhiều phương tiện, trang bị, vật chất phục vụ phòng chống thiên tai.

Cần phối hợp chặt chẽ trong ứng phó bão số 1

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao về việc chuẩn bị chủ động và rất tích cực của các địa phương trong phòng, chống bão số 1.

Phó Thủ tướng nhận định: “Qua báo cáo của các địa phương, mọi việc đã chuẩn bị rất tích cực, đáp ứng được yêu cầu ban đầu. Các đồng chí có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng điều này lại khiến chúng tôi lo lắng bởi khi các đồng chí có kinh nghiệm thì dễ nảy sinh chủ quan”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không chủ quan, lơ là trong ứng phó bão số 1. Cùng với đó, cần chủ động, linh hoạt, phối hợp tốt trong công tác phòng, chống bão.

“Chúng ta cần chuẩn bị tốt nhất có thể với mục tiêu là không để thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO